Đáp ứng nhu cầu nhưng vẫn phải đảm bảo tính dẫn dắt, định hướng thanh niên

07:48 17/05/2017     1113

Hoạt động Hội, Đội   Yêu cầu đặt ra với Đoàn chính là đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng nhưng vẫn phải đảm bảo tính dẫn dắt, định hướng thanh niên trong các hoạt động.
Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong chia sẻ như vậy khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu khu vực trường học góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần XI cuối tuần qua tại TP.HCM.


f
Quang cảnh Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến chuẩn bị báo cáo Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI trong các khối đối tượng trường học vừa được tổ chức ngày 13/5 vừa qua. Nguồn ảnh Thành Đoàn TP.HCM

Các ý kiến bàn nhiều đến phong trào “Sinh viên 5 tốt” và cho rằng xã hội chưa biết nhiều đến “thương hiệu” này. Anh Phạm Thanh Tân (ĐH Ngân hàng TP.HCM) đặt vấn đề tại sao không kết nối nhà trường với doanh nghiệp, tận dụng ngay chính nguồn lực của họ để đào tạo kỹ năng cho Sinh viên 5 tốt, vì “mục tiêu cuối cùng của phong trào chính là cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp”.

Chia sẻ cách làm, anh Trần Nhật Hoàng (ĐH Kinh tế TP.HCM) nói Đoàn trường có phần mềm ghi nhận quá trình rèn luyện của SV, khi các bạn thiếu tiêu chí nào để đạt danh hiệu sẽ được Đoàn - Hội tìm cách hỗ trợ.

Tại ĐH Công nghệ TP.HCM, lãnh đạo các khoa, phòng ban của trường đều chung tay tạo môi trường giúp sinh viên rèn luyện đạt chuẩn 5 tốt, chứ không chỉ là nhiệm vụ của Đoàn - Hội.

Anh Ngô Lê Mạnh Hiếu (ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng văn kiện có chương trình thanh niên khởi nghiệp nên trước tiên hãy phát động toàn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Theo anh Hiếu, khi có đề tài tốt sẽ tập hợp thành vườn ươm và hỗ trợ các bạn khởi nghiệp từ chính đề tài ấy. Còn anh Nguyễn Thái Hà (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) nói cần thiết có chính sách ở tầm quốc gia về trang bị kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên 5 năm tới, nhất là trang bị ngoại ngữ.

Ở khía cạnh khác, trang bị kỹ năng cho học sinh trở thành chủ đề được nhiều người đề cập. Anh Trần Tiến Việt (Bình Phước) chia sẻ Đoàn trường của anh đã tham mưu và được ban giám hiệu đồng thuận mỗi tuần học sinh có một tiết học kỹ năng.

“Các bạn tự tìm tòi, thuyết trình nên dạn dĩ hơn nhiều” - anh Việt cho biết. Tuy vậy, điều này chưa nhiều bởi thực tế khó phủ nhận như anh Nguyễn Duy Thanh (Long An) thẳng thắn nhận định ngay cán bộ Đoàn còn thiếu kỹ năng, lấy gì trang bị cho học sinh. Do vậy các chương trình tập huấn của Đoàn cần bổ sung điều này.

h
Cô giáo Đặng Thúy Thương (Bà Rịa - Vũng Tàu) đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện

Cô giáo Đặng Thúy Thương (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói nhiều học sinh còn hiểu lơ mơ về phong trào “Khi tôi 18” dù đã tham gia. Anh Phạm Kiều Hưng (TP.HCM) đề nghị nên triển khai các nội dung của phong trào theo từng chặng, chọn hoạt động phù hợp với từng khối lớp ngay khi bắt đầu vào trường để khi kết thúc bậc THPT, các bạn đủ trưởng thành, sẵn sàng trở thành công dân tốt cho xã hội.

“Nhiều phụ huynh chưa ủng hộ con mình hoạt động Đoàn, chỉ muốn con tập trung học. Đoàn đã nghe học sinh nói, có lẽ cũng cần nghe phụ huynh nói vì tôi tin khi có lợi, họ sẽ ủng hộ” - anh Hưng nêu ý kiến.

Giáo dục sinh động qua thực tế

Anh Nguyễn Thái Hà cho rằng, giai đoạn hiện nay Đoàn nên giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức công dân làm nền tảng trước khi giáo dục những điều khác cho đoàn viên thanh niên.

Nhiều ý kiến đồng thuận cần đầu tư sản phẩm truyền thông trực quan, sinh động, tận dụng mạng xã hội chuyển tải công tác giáo dục của Đoàn. Anh Hà Thanh Đạt (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đề xuất nên cập nhật những vấn đề, câu chuyện thời sự vào nội dung hoạt động giáo dục của Đoàn.

“Chúng ta đã giáo dục pháp luật cho người trẻ nhưng chưa nhiều và phải quan tâm hơn” - anh Đạt phát biểu.