20-11

16:07 16/11/2016     322

Hoạt động Hội, Đội   
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ TOÁN HỌC ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM - NHÀ GIÁO NHÂN DÂN HOÀNG XUÂN SÍNH

Hoàng Xuân Sính sinh ngày 8 tháng 9 năm 1933, bà là người làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy)

Năm 1948, bà học hết cấp II. Thời đó trường Trung học của Hà Nội rất ít, chỉ có trường cấp II Nữ sinh Trưng Vương. Trường cấp III Chu Văn An dành cho nam sinh. Còn trường Lyceé Albert Sarraut chỉ con em người Pháp, hoặc con em giới chức cao cấp làm việc cho Pháp mới được học. Nếu muốn học cấp III phải vào trường Chu Văn An học chung đám con trai. Bây giờ nam nữ học chung là bình thường, nhưng cái thời “nam nữ thụ thụ bất thân”, việc học chung là chuyện rất khó khăn. Cuối cùng bà  cũng vượt lên “hủ tục”, chấp nhận ghi danh học Chu Văn An.

Sau khi có bằng Tú tài 1 ở Hà Nội Ban Sinh ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, năm 1951 bà được cậu ruột là Nguyễn Văn Phúc đang làm kỹ sư sản xuất máy bay tại tỉnh Toulousse miền Nam nước Pháp đón sang Pháp học Đại học Toán, sau đó là Cao học để lấy bằng Thạc sĩ Toán. Bằng Thạc sĩ thời đó chỉ dành cho 2 dòng họ danh giá Marie Curie và Langevin. Với quyết tâm bền bỉ ôn luyện, cần cù học tập, làm theo lời cha dặn “Muốn xây dựng đất nước, giỏi môn Khoa học là thực sự cần thiết”, năm 26 tuổi, bà thi đỗ Thạc sĩ, đó là vinh dự không chỉ dành cho người Việt, mà còn cho cả Đại học Toulousse.

Không chỉ dừng lại ở văn bằng trên, bà tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học để rồi đến năm 1975, bà đã bảo vệ luận án tiến sĩ Toán trước hội đồng khoa học thế giới tại Pháp, với sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng thế kỉ XX là Giáo sư Alexander Grothendieck và trở thành nữ Giáo sư - Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam đồng thời cũng chính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học.

Hoàn thành luận án tiến sĩ của mình, nhưng bà không ở lại nước ngoài làm việc mà chọn con đường trở về nguồn cội để mong muốn được đóng góp tài năng trí tuệ của mình cho xã hội, cho đất nước Việt Nam. Về nước, bà tham gia giảng dạy môn Toán tại Đại học Sư phạm Hà Nội và biên soạn nhiều sách giáo khoa phổ thông, giáo trình đại học (Đại số đại cương, Bài tập đại số tuyến tính, Những bài toán thi học sinh giỏi các nước và Quốc tế,…)

Một trong những đóng góp quan trọng của tiến sĩ Hoàng Xuân Sính trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam là sáng lập ra trường Đại học dân lập đầu tiên của nước ta – Đại học Dân lập Thăng Long. Và hiện nay bà là Chủ tịch hội đồng quản trị của Đại học Thăng Long.

Với những chính sách tiến bộ do đội ngũ lãnh đạo của nhà trường đề ra đứng đầu là bà Hoàng Xuân Sính đó là: không chạy theo thành tích bằng cách cho sinh viên điểm cao trong các kì thi mà phải đánh giá đúng thực lực của sinh viên cộng với phương pháp đào tạo linh hoạt phù hợp hướng đến phục vụ sinh viên, đáp ứng các yêu cầu của người học một cách tối ưu, mà Đại học Dân lập Thăng Long đã gây dựng được uy tín và niềm tin trong sinh viên, phụ huynh và xã hội. Điều đó được thể hiện ở tỉ lệ sinh viên ra trường đã tìm được việc làm đúng ngành rất cao.

Bên cạnh hoạt động trong ngành giáo dục, Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Xuân Sính còn tham gia nhiều hoạt động khác như: Thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng Kovalevskaya, Ủy viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Từ điển bách khoa Việt Nam. Bà đã được nhà nước Pháp trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm vì những đóng góp cho việc phát triển và hợp tác khoa học giữa hai quốc gia Pháp - Việt, và được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Có thể nói, Nhà toán học Hoàng Xuân Sính không chỉ là nhà khoa học xuất sắc mà còn là một trí thức yêu nước, đam mê nghề nghiệp nồng nhiệt, đã vượt qua hủ tục “trọng nam khinh nữ”, vượt qua những khó khăn, biến cố của thời cuộc, cố gắng vươn mình, chứng tỏ tài năng trí tuệ để bước lên bục vinh quang khoa học. Với những cống hiến lớn lao trong hoạt động nghiên cứu đặc biệt là trong ngành giáo dục, Nhà giáo nhân dân - Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Xuân Sính là một điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là nữ trí thức tiêu biểu đã có những cống hiến đích thực được xã hội công nhận, công chúng hoan nghênh. Những thành tựu và vinh quang của bà nói riêng cũng như của phụ nữ Việt Nam nói chung đã được biết tới không chỉ trong nước mà còn trên tầm quốc tế, góp phần làm rạng danh trí tuệ Việt Nam.