Đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp xây dựng và phát triển nền kinh tế số

08:19 28/11/2019     5029

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019, các trí thức trẻ Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp trong phiên thảo luận "Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số" như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng các Hệ thống giám sát tự động trong phát triển nền kinh tế số; ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý thông tin về giáo dục…

Chiều ngày 27/11, tại Hà nội, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019 diễn ra phiên thảo luận các chuyên đề hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. "Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số" là một trong bốn chuyên đề được thảo luận.

 

Quang cảnh phiên thảo luận "Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số"

 

Tại phiên thảo luận, đại biểu Kiều My, Nghiên cứu sinh ngành Smart Computing đến từ Đại học Florence, Italy đã trình bày chuyên đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng các Hệ thống giám sát tự động trong phát triển nền kinh tế số". Anh cho biết hiện nay có hơn 240 triệu camera giám sát đã lắp đặt trên toàn cầu, con số này đang tăng với sự bùng nổ của lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và ngành Thị giác máy tính, trong đó, công nghệ xác định đối tượng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như giao thông, hàng không, an ninh, kinh doanh, giáo dục, robot tự động…

Ngoài ra, Đại biểu đến từ Đại học Florence còn giới thiệu đến các đại biểu tại diễn đàn mô hình Camera nhiệt (Thermal Camera) vừa đảm bảo quyền riêng tư vừa giải quyết được các thách thức về điều kiện môi trường và chiếu sáng (đêm tối, khói, bụi, sương mù…).

 

Đại biểu Kiều My, Nghiên cứu sinh ngành Smart Computing, Đại học Florence, Italy trình bày chuyên đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng các Hệ thống giám sát tự động trong phát triển nền kinh tế số.

 

Thông qua diễn đàn thảo luận, đại biểu Kiều My đã đưa ra một số giải pháp ứng dụng Thị giác máy tính trong nền kinh tế số tại Việt Nam. "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào xây dựng nền kinh tế số là con đường nhanh nhất giúp Việt Nam có thể vươn lên cùng các cường quốc thế giới", anh Kiều My chia sẻ.

Đồng thời, anh cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như: Nhà nước nên khuyến khích các sáng kiến về công nghệ, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp và người dân về quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo để số hóa nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hạ tầng về trí tuệ nhân tạo như các công ty sản xuất camera, linh kiện để phục vụ cho việc nâng cấp hạ tầng nền kinh tế số. Triển khai các hệ thống AI dựa trên các hạ tầng trong khả năng để số hóa nền kinh tế. Tiến hành đầu tư tự động hóa mọi quy trình, áp dụng các công nghệ AI tiên tiến đang có sẵn để thay thế con người.

Để xây dựng nguồn nhân lực chuyên gia AI, anh đề xuất 2 giải pháp: gửi nhân lực sang các nước phát triển để học hỏi qua các chương trình bảo trợ từ chính phủ; nâng cấp chương trình giáo dục CNTT trong nước, tận dụng tri thức trẻ từ nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực trong nước để nhân rộng nguồn nhân lực phát triển và vận hành hệ thống AI, học hỏi từ kinh nghiệm thành công của các nước về số hóa…

 

Anh Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Thành viên Ban cố vấn phát biểu tại chương trình

 

TS. Vũ Ngọc Huy, đến từ Đại học Bách khoa Quốc gia Odessa, Ukraine đưa ra giải pháp "Ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý thông tin về giáo dục" để nâng cao tính an toàn, minh bạch, tin cậy của dữ liệu và đồng bộ, đơn giản hóa quá trình xử lý dữ liệu, tiến tới số hóa giáo dục và các lĩnh vực khác.

Anh Vũ Ngọc Huy nêu ra một số vấn đề trong hệ thống quản lý dữ liệu giáo dục của ta hiện nay như: Cơ sở dữ liệu tập trung được quản lý bởi các quản trị viên dẫn tới thiếu an toàn, minh bạch; Hệ thống sử dụng kiến trúc máy khách/ máy chủ, dẫn tới có thể bị gián đoạn hoạt động; Quản lý và xử lý dữ liệu chưa đồng bộ từ cấp cơ sở tới cấp quản lý cao nhất; Cơ sở dữ liệu không đầy đủ dẫn tới chậm chễ, không chính xác trong báo cáo tổng kết và các lĩnh vực khác chưa thể khai thác sử dụng Cơ sở dữ liệu giáo dục.

TS. Vũ Ngọc Huy cho rằng, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số là yêu cầu cấp bách của đất nước để phát triển và bắt kịp với xu thế mới của thế giới. Nền tảng công nghệ Blockchain đang mở ra cơ hội lớn cho chúng ta trong việc nhanh chóng số hóa và kết nối đồng bộ các lĩnh vực khác nhau trong đời sống. Anh đề nghị, nhà nước, chính phủ nghiên cứu đánh giá tầm quan trọng của Blockchain đối với Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng, ứng dụng thí điểm công nghệ Blockchain ở các lĩnh vựctập hợp các nhà khoa học, lập trình viên kết nối cùng các tập đoàn lớn trong nước nghiên cứu xây dựng mô hình nền tảng Blockchain chuẩn Việt Nam – Một máy tính chung của cả nước…

Bên cạnh đó, các đại biểu trí thức trẻ trong phiên thảo luận đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, nghiên cứu mới trong việc ứng dung Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số như: Internet vạn vật trong số hóa nền kinh tế và tầm nhìn của Việt Nam; Quản lý thị trường công nghệ cao trong nền kinh tế số; Robot Mềm- Tiềm năng phát triển trong công nghệ… 

 

Thanh Nga