Nuôi lươn bằng hình thức thủy canh

02:22 30/11/2018     2491

Nhịp sống trẻ   Nhận thấy những ưu điểm của việc nuôi lươn thủy canh, Huỳnh Ngọc Sơn và Trần Lê Tấn Lộc (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) đã bắt tay nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm về mô hình này.

Nhóm tác giả tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018


Với tính sáng tạo và ứng dụng cao của công trình, tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018, công trình của nhóm đã được chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH thương mại phát triển Nông nghiệp xanh.

Xuất phát từ mong muốn trải nghiệm thực tế

Trong quá trình học, Sơn nhận ra các kiến thức học được đa phần là lý thuyết nên muốn bắt tay thực hiện một dự án để có cơ hội trải nghiệm thực tế, học được nhiều hơn từ thực tiễn. Qua quá trình tìm tòi nghiên cứu, Sơn nảy ra ý tưởng nuôi lươn kết hợp với hình thức thủy canh. Vì theo Sơn, lươn cho giá trị kinh tế cao và là loài thủy sản ăn động vật nên sẽ tiêu thụ hàm lượng protein cao, từ đó chất thải NH3 sẽ nhiều, tạo nên lượng nitrat giúp cây tăng trưởng tốt hơn. Hơn nữa lươn được nuôi ở mực nước thấp (30 - 40 cm), thể tích nước nuôi ít, phù hợp với mô hình thủy canh và phù hợp với quy mô hộ gia đình.

Nhưng do bản thân chỉ chuyên về thủy sản nên Sơn đi tìm bạn đồng hành chuyên về nông nghiệp. Gặp Lộc đang học chuyên ngành nông học, cả hai cùng chí hướng muốn kiến tạo nên hệ sinh thái thân thiện với môi trường, nên cùng bắt tay thực hiện dự án nuôi lươn kết hợp trồng rau thủy canh (hay còn gọi là Aquaponics).

“Aquaponics là mô hình nông nghiệp kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh. Chất thải trong nuôi trồng thủy sản chứa nhiều nito và photpho sẽ gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý. Tương tự, khi trồng rau củ quả làm nguồn thực phẩm cho con người thì cần dùng nhiều loại phân bón, thuốc hóa học cũng gây hậu quả về môi trường, sức khỏe người tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt. Aquaponics là mô hình lồng ghép sử dụng những chất thải trong nuôi trồng thủy sản để làm phân bón cho cây trồng. Nó tái hiện lại được một hệ sinh thái trong tự nhiên. Từ đó, mô hình này sẽ tạo ra các thực phẩm an toàn với sức khỏe con người và thân thiện với môi trường”, Sơn lý giải.

Hệ thống nuôi lươn kết hợp trồng rau thủy canh của Sơn và Lộc

 

Nghiên cứu để môi trường trong sạch hơn

Mô hình Aquaponics không còn mới lạ, tuy nhiên kết hợp nuôi lươn và trồng rau thủy canh thì còn lạ lẫm với nhiều người. Để thực nghiệm được đề tài này, đầu tiên Sơn và Lộc thiết kế hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn khép kín. Nhưng thay vì quá trình khử nitrat thì nitrat sẽ được thực vật hấp thụ cùng với photpho và chất dinh dưỡng khác. Nên hệ thống gồm 3 bộ phận chính là bể nuôi lươn, hệ thống lọc (lọc cơ học để loại bỏ chất thải rắn như phân lươn hay thức ăn thừa; lọc sinh học để chuyển hóa amoniac thành nitrat) và hệ thủy canh. Một vòng tuần hoàn nước khép kín sẽ liên tục được thực hiện tại ba bộ phận này.

“Nước từ bể nuôi lươn kèm theo chất thải rắn, nito, photpho sẽ được bơm qua hệ thống lọc cơ học loại bỏ chất thải rắn, sau đó nước sẽ được bơm tiếp qua bể lọc sinh học để cho vi khuẩn nitrat hóa thực hiện quá trình chuyển hóa từ NH3 chất độc đối với động vật thủy sản thành nitrat dinh dưỡng cho cây trồng. Sau đó nước sẽ được đưa tới bể thủy canh, ở đây các chất dinh dưỡng chủ yếu là nito và photpho sẽ được thực vật hấp thụ và nước lúc này có các chỉ tiêu phù hợp với nuôi trồng thủy sản. Và nó được tái sử dụng ở bể lươn. Vòng tuần hoàn này sẽ tiếp tục lặp lại. Trong hệ thống còn bố trí thêm các đường dẫn khí cung cấp khí cho bể vi sinh, bể thủy canh, bể nuôi lươn”, Sơn cặn kẽ hơn.

Tuy nhiên, để nuôi được lươn trong hệ thống này thì phải thuần dưỡng để lươn quen với môi trường thủy canh, không bùn và làm quen với thức ăn viên. Lươn sau gần một tháng thuần dưỡng sẽ cho vào hệ thống để tiến hành nuôi lươn kết hợp với trồng rau thủy canh. Loại rau mà nhóm đang thử nghiệm là rau xà lách và cải ngọt.

Mặc dù còn là sinh viên và gặp nhiều khó khăn trong quá triền nghiên cứu, nhưng nhóm vẫn nỗ lực hết mình. Bởi theo Sơn: “Vì khó khăn nên tụi mình học được rất nhiều kiến thức và kỹ năng mà trong sách vỡ không có. Hoàn thành xong một công trình khoa học, nhóm lại nung nấu thêm ý định tiếp tục nghiên cứu tạo ra một hệ sinh thái có thể áp dụng vào trong đời sống để môi trường được trong sạch hơn, con người sống tốt hơn”, Sơn bộc bạch.

 

(Nguồn TNO)- ĐH