Những thanh niên vượt lên những đôi chân tật nguyền

16:56 25/04/2019     2233

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Dù không có được đôi chân lành lặn như người bình thường, việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn nhưng những thanh niên chúng tôi gặp đều lạc quan, có ý thức vươn lên trong cuộc sống…

Anh Dương Quy Luật giao trái cây cho khách hàng

 

7 giờ sáng, anh Dương Quy Luật (SN 1983, ngụ tại 2/1 Viba, TP. Vũng Tàu) chở mấy thùng dâu tây trên chiếc xe 3 bánh đi giao cho khách. “Mối ruột” của anh là một số nhà hàng, quán cà phê ven biển. Sau khoảng 1 giờ, anh đã giao xong. Thỉnh thoảng, anh nhận điện thoại, liên tục “vâng, dạ, cảm ơn” và lấy bút ghi chú vào cuốn sổ. “Có khách đặt 5 kg bơ sáp, 3 trái sầu riêng và hẹn mai giao. Tôi ghi lại để về vợ lên đơn hàng”, anh nói.

Anh Luật kể, khi anh 1 tuổi, cơn sốt bại liệt khiến đôi chân anh dần teo nhỏ, không thể đi lại như người bình thường. Học hết lớp 9, anh nghỉ ở nhà, khi đi bán vé số, lúc chạy xe ôm hoặc mở tiệm sửa điện thoại. Cảm mến nghị lực của anh, năm 2008, chị Võ Thị Tuyết Mai đã đồng ý làm vợ anh, bất chấp sự can ngăn của gia đình. Một năm sau, hai vợ chồng đón cô con gái đầu lòng và năm 2018 đón thêm cậu con trai. Hiện nay, vợ anh mở tiệm bán trái cây ở TP. Bà Rịa, cách 1-2 ngày, anh lại chạy xe qua phụ vợ chăm con, giao trái cây cho khách.

 “Tôi luôn cố gắng hết sức trong khả năng mình để cùng vợ nuôi các con trưởng thành. Mỗi ngày, tôi đều tự nhủ mình may mắn hơn nhiều người khác vì vẫn có thể tự lái xe, tự đi lại với sự hỗ trợ của đôi nạng. Không làm được việc nặng thì làm việc nhẹ theo sức lao động. Tôi chỉ mong mình khỏe mạnh, để yêu thương, bù đắp cho vợ con và để vợ tôi thấy chồng mình tàn mà không phế”, anh Luật tâm sự.

Cũng bị teo chân sau cơn sốt bại liệt năm lên 3 tuổi, anh Đỗ Trọng Tân (SN 1986, ở 45/1 Thùy Vân) luôn tự nhủ cần phải cố gắng gấp 2, gấp 3 lần người khỏe mạnh khác. Anh quê ở Quảng Ngãi.

Tốt nghiệp Khoa Quản lý Thông tin (ĐH Kinh tế Luật, TP. Hồ Chí Minh), sau vài năm làm việc ở đó, anh quyết định đến TP. Vũng Tàu lập nghiệp với nghề kinh doanh hàng mỹ nghệ. “Tôi dùng tiền tích góp trong vài năm đi làm, mượn thêm ba mẹ để tự mở sạp hàng riêng, trả lần hồi cũng hết nợ rồi”, anh Tân nói.

 

Luôn tươi cười, niềm nở nên gian hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm của anh Đỗ Trọng Tân khá đắt khách

 

 

Khuôn mặt điển trai, miệng luôn cười hiền nên tiệm của anh có khách khá đều, nhất là những ngày cuối tuần, lễ, tết. Khách đến, anh nhiệt tình tư vấn các món hàng phù hợp.

Bà Hoàng Thị Thúy, chủ nhà 45/1, nơi anh Tân thuê trọ cho biết, anh rất chịu khó, ngày mưa cũng như ngày nắng đều ra bán hàng. “Thấy Tân ngoan, hiền lành, ai nhờ gì cũng nhiệt tình làm, dù đôi chân khuyết tật nên tôi cho cháu kê sạp hàng bán trước cửa nhà”, bà Thúy nói.

Ngoài kinh doanh tại chỗ, anh còn khắc lazer lên đồ mỹ nghệ lưu niệm, bỏ mối cho khách. Hiện nay, thu nhập bình quân của anh khoảng 6 triệu đồng/tháng. “Vợ tôi bệnh, con trai cũng hay đau ốm, nên tôi phải gói ghém lắm mới đủ chi tiêu. Nhưng tôi sẽ luôn cố gắng vượt qua, bởi tôi biết quanh mình còn rất nhiều người tốt. Họ luôn yêu quý và tạo điều kiện cho tôi”, anh Tân bộc bạch. 

Với anh Võ Thái Sơn (SN 1984, làm việc tại tiệm ĐTDĐ số 2 Trần Đồng) thì công việc chạy, sửa phần mềm điện thoại hoàn toàn phù hợp và mang lại cho anh mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng.

“Tôi bị hoại tử chỏm xương đùi, phải thay khớp năm ngoái. Sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật TP. Vũng Tàu được hơn 5 năm, tôi có thêm động lực và niềm tin vào cuộc sống. Ở đây, tôi được chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ. Nhờ đó, tôi càng tự nhủ phải cố gắng hơn để cùng vợ chăm lo chu đáo cho 2 con nhỏ”, anh Sơn cho hay.

Không chỉ có ý thức vươn lên trong cuộc sống, những thanh niên khuyết tật tiêu biểu chúng tôi gặp đều luôn chứng tỏ lòng nhiệt huyết, sự đồng cảm và sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ. Các anh chịu khó ghi lại những địa chỉ phát cơm từ thiện và ngày phát để thông báo đến các thành viên trong Hội người khuyết tật TP. Vũng Tàu. Dù hoàn cảnh không dư dả gì nhưng họ sẵn sàng nhường phần quà được hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Niềm mong mỏi lớn nhất ở các anh là có sức khỏe để làm việc, có thu nhập ổn định để vợ con bớt vất vả, thiệt thòi. Anh Tân thì bày tỏ, kinh doanh hàng mỹ nghệ chỉ thuận lợi vào mùa cao điểm du lịch. Vì vậy, anh ấp ủ dự định thuê đất, làm nông nghiệp sạch để có thu nhập ổn định hơn.

Anh Luật, anh Sơn và anh Tân là 3 trong 5 gương thanh niên khuyết tật được Hội LHTN TP. Vũng Tàu tuyên dương gương “Thanh niên khuyết tật tiêu biểu” năm 2018.

Đồng chí Nguyễn Công Thành, Bí thư Thành Đoàn TP. Vũng Tàu cho biết, hàng năm, Hội LHTN TP. Vũng Tàu đều khen thưởng, động viên những thanh niên khuyết tật tiêu biểu để ghi nhận công sức, nỗ lực của các bạn trẻ khuyết tật. Sắp tới, Thành Đoàn Vũng Tàu sẽ mở lớp dạy vẽ, viết thư pháp miễn phí cho thanh niên khuyết tật, giúp họ có thêm kỹ năng, cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập.

Có thể thấy, dù không có được đôi chân lành lặn như người bình thường, việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn nhưng những thanh niên khuyết tật đều lạc quan, có ý thức vươn lên trong cuộc sống, không ngừng cống hiến và làm đẹp cho quê hương, đất nước.

 

CTV Hoa Mai, Minh Thanh - TĐ Bà Rịa – Vũng Tàu(PL)