3 thanh niên ngăn suối, làm điều cảm động dưới chân núi lửa

09:41 04/08/2019     1257

Nhịp sống trẻ   3 thanh niên chăn bò dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya đã ngăn suối, dạy cho hàng chục trẻ em người Jrai biết bơi, cứu người.

Dạy 'kình ngư nhí' cứu người

Vào hè, nhà 3 chàng trai trẻ dân tộc Jrai là Y Pyiu, Y Tai (SN 1994) và Rơ Ni (SN 2000, trú làng Xoă, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai) lại trở nên náo nhiệt vì hàng chục đứa trẻ trong làng tìm đến học bơi lội.

 

'Huấn luyện viên' cùng nhóm trẻ khởi động trước khi học bơi.

 

Tầm 4h chiều ngày nào cũng vậy, Y Pyiu, Y Tai, Rơ Ni ở nhà đợi sẵn để dẫn lũ trẻ con trong làng ra con suối dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya dạy chúng bơi.

Gần chục đứa trẻ trên tay mang theo 'phao tự chế' là can nhựa, bẹ chuối… nối đuôi như đoàn tàu tiến ra suối.

Sau màn khởi động trên cạn chừng 10 phút, lũ trẻ ôm 'phao tự chế' ùa xuống suối.

Lũ trẻ được chia thành 3 tốp, án ngữ 3 đoạn suối. 3 chàng trai phân vai, hướng dẫn các kỹ thuật bơi cơ bản để phòng ngừa đuối nước; cách nhận biết vùng nước nguy hiểm, cách cứu người đuối nước, các kỹ năng sơ cứu người đuối nước một cách say mê, cuốn hút như những huấn luyện viên bơi lội thực thụ.

 

Lũ trẻ đi tập bơi với 'phao tự chế' bằng can nhựa.

 

Đến phần giảng của 'huấn luyện viên' nào thì tốp thanh niên đó nhảy xuống suối thực hành để lũ trẻ chứng kiến, học theo. Cứ thế, 3 thanh niên 'cầm tay chỉ việc', chỉ cách lặn, ngụp, đạp chân, sải tay cho từng em. Lớp học 'dã chiến' nơi con suối nhỏ ngập tiếng cười vang một góc chân núi lửa Chư Đăng Ya.

Vừa khoát tay hướng dẫn nhóm trẻ sải tay bơi, Y Pyiu bật mí, em nào học nhanh thì chỉ cần 7 ngày là biết bơi, chậm thì nửa tháng. 'Không chỉ biết bơi, các em còn nắm được các kỹ thuật bơi khác nhau, đặc biệt là cách cứu người bị đuối nước' - Y Pyiu chia sẻ.

Chúng tôi hỏi, ai từng cứu được người đuối nước hãy giơ tay thì một loạt đứa trẻ đang ngụp lặn dưới suối ngoi lên giơ tay.

 

Lũ trẻ học bơi trên dòng suối dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya.

 

Siu Than (SN 2008, làng Xoă) kể, năm 2017 đã cứu được em học sinh lớp 1 tên Siu Hmin bị rơi xuống suối khi đi qua cầu tạm.

'Lúc đó em đang đi học về, nhìn thấy Hmin rơi xuống suối em vội bỏ cặp sách nhảy xuống suối bơi ra nắm cổ áo, từ phía sau dìu vào bờ'- Siu Than hồ hởi kể.

Sau lần thoát chết may mắn đó, Siu Hmin đã rủ anh trai gia nhập lớp dạy bơi của nhóm Y Pyiu. Hiện Siu Hmin cùng anh trai đã bơi rất giỏi.

Y Pyiu tiết lộ, lớp bơi có A Lai (SN 2007) được mệnh danh 'kình ngư' vì bơi giỏi và cứu được nhiều người đuối nước.

 

Những đứa trẻ cười nói rôm rả, vang động một góc chân núi.

 

A Lai tiết lộ, từ khi biết bơi đã cứu được 4 bạn bị đuối nước. Lần đầu tiên, cách đây 2 năm A Lai cứu được một bạn tên Bích ở cùng làng bị đuối nước dưới ao tưới cà phê.

'Lúc đó bạn ấy đang chới với dưới ao, em nhảy xuống bơi ra túm áo kéo bạn vào bờ. Còn 3 bạn khác em cứu đều không biết bơi nhưng vẫn xuống suối tắm' - A Lai kể.

Ước mơ '3 cao bồi' bên núi Chư Đăng Ya

Theo tiết lộ của Y Pyiu, Y Tai, Rơ Ni, ý tưởng mở lớp dạy bơi miễn phí cho các em trong làng hình thành trong quá trình đi chăn bò.

Hàng ngày, '3 cao bồi' đi chăn bò dọc các con suối gần làng, dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya. Lúc lũ bò thủng thẳng gặm cỏ thì '3 cao bồi' đằm mình dưới suối bắt tôm cá.

Đi chăn bò cùng có rất nhiều trẻ em nhưng không biết bơi, '3 cao bồi' mới nảy ra ý định tập cho lũ trẻ biết bơi hết.

Y Pyiu tiết lộ, cuối năm 2017, cả 3 thôi không đi chăn bò nữa. Việc học bơi của lũ trẻ đứt đoạn.

Khi không còn chăn bò, dạy bơi, '3 cao bồi' đã mày mò lập kênh Youtube, quay cảnh sinh hoạt của người dân trong làng để đăng lên.

 

'3 cao bồi' với mong ước dạy cho toàn bộ lũ trẻ biết bơi, cứu người đuối nước.

 

Kênh của '3 cao bồi' hiện có trên 100 nghìn lượt đăng ký, và đã được trả tiền hàng tháng.

Theo chia sẻ của '3 cao bồi', kỹ năng bơi lội ngoài kinh nghiệm thực tế học được khi đi chăn bò, thì cả ba còn lên mạng để mày mò học hỏi.

Khi 3 chàng trai ngừng dạy bơi để làm Youtube, số vụ đuối nước liên tục xảy ra nên cả ba quyết định quay lại, tiếp tục dạy bơi cho lũ trẻ.

'Việc dạy bơi của bọn mình là tự nguyện và miễn phí hoàn toàn. Em biết bơi dắt theo em chưa biết bơi đến học. Em nào đến bọn mình cũng nhận, dạy bơi nhiệt tình' - Y Tai cho hay.

Để việc dạy bơi an toàn, 3 chàng trai có sáng kiến dùng can nhựa, cây chuối rừng làm… phao bơi.

'Đến giờ bọn mình cũng không nhớ đã dạy bao nhiêu em nhỏ biết bơi, nhiều không nhớ nổi' - Y Tai tươi cười.

Ông Nguyễn Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho biết, mô hình dạy bơi cho trẻ em người dân tộc của 3 thanh niên làng Xoă rất thực tế, đáng tuyên dương và nhân rộng.

'Trước đây, không chỉ vùng này mà nhiều vùng khác thường hay xảy ra các vụ đuối nước trẻ em rất thương tâm. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ đuối nước đáng tiếc nào' - vị lãnh đạo xã Chư Đăng Ya chia sẻ.

Tâm sự với phóng viên, ông Nội hi vọng mô hình dạy bơi của '3 cao bồi' sẽ được lan rộng trên địa bàn vùng sâu, xa của các buôn làng ở Tây Nguyên, để không còn những vụ đuối nước thương tâm xảy ra.

 

Nguồn Vietnamnet.vn-BA