Đại biểu thiếu nhi sôi nổi thảo luận các vấn đề của trẻ em

21:09 09/09/2023     734

Hoạt động Hội, Đội   ĐTN: Chiều 9/9, 263 đại biểu thiếu nhi của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất, năm 2023 đã chia 08 tổ thảo luận về hai chủ đề “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”.

 

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức Phiên họp cùng xem những nguyên nhân và giải pháp mà các em nêu ra đối với 02 chủ đề thảo luận

 

15% trẻ em cho rằng hành vi xâm hại có xảy ra

Trước khi diễn ra thảo luận, các tổ thảo luận đã công bố báo cáo số liệu do chính các em khảo sát về các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các em cho biết bản thân mình hoặc một số các bạn tại cộng đồng nơi minh sinh sống cũng đã từng bị bạo lực và xâm hại bằng nhiều hình thức khác nhau và mức độ khác nhau.

 

Các tổ thảo luận báo cáo số liệu khảo sát về các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

 

Một điều đáng lo ngại là các em cho rằng các hành vi xâm hại ở hầu hết các hình thức đều có xảy ra ở mức độ thỉnh thoảng (trên 15%). Nhận định của trẻ em về xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn ở mức thỉnh thoảng cũng chiếm tỷ lệ khá cao (11,96% và 15,07%).

Có 9,6% trẻ em cho rằng có xảy ra tại cộng đồng, 11% trẻ em cho rằng có xảy ra tại nhà trường và 6% trẻ em cho rằng có xảy ra tại gia đình, các hành vi xâm hại như: “đánh đập, tát, túm tóc, đấm đá... gây tổn hại về sức khỏe, thể chất của trẻ em”, “chửi nắng, lăng mạ, sỉ nhục; xúc phạm danh dự, nhân phẩm; bỏ mặc gây hại về tinh thần của trẻ em”, “nói xấu, bôi nhọ, cắt ghép hình ảnh”,

 

 

Khảo sát cho thấy trẻ em đã có kỹ năng ứng phó, tìm kiếm sự trợ giúp khi bị bạo lực, xâm hại. Tuy vậy vẫn còn hơn 10% trẻ em cho rằng không báo cáo, không làm gì hoặc tự tìm phương án giải quyết khác khi bị bạo lực, xâm hại. Nguyên nhân là do các em “sợ bị trả thù”, “xấu hổ, mặc cảm”, “sợ bị mắng, đánh” và “sợ không nhận được sự giúp đỡ”.

 

 

Bạn Trần Minh Đăng đến từ tình Quảng Bình cho biết, nhóm bạn đã thảo luận về nạn tảo hôn, xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Trung bình mỗi năm có 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại, một con số đáng báo động. Điều đáng nói là nhiều vụ xâm hại đến từ chính những người quen biết, người trong gia đình khiến các em bị bóng đen tâm lý, không thoát ra được những ám ảnh.

Minh Đăng cho rằng, trẻ em cần chọn lọc thông tin từ nguồn chính thống, từ đó có thể đề phòng ngừa. Các bạn có hiểu biết cũng chính là những tuyên truyền viên trong nhà trường, giúp tư vấn tâm lý cho bạn bè. Cách tuyên truyền trong nhà trường cần phù hợp với từng đối tượng học sinh. Các gia đình cũng phải quan tâm cung cấp kiến thức cho con về xâm hại, bạo lực để có thể phòng tránh,...

 

 

9 loại rủi ro trên môi trường mạng

Trẻ em cho biết có tới 9 loại hình rủi ro khi các em tham gia môi trường mạng, trong đó rủi ro cao nhất là bị đánh cắp tài khoản, thông tin cá nhân (71,4%); tiếp đến là bị lộ thông tin cá nhân. Trẻ em cũng nhận thức được hậu quả của xâm hại trên không gian mạng, đó là 85,6% cho rằng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần (lo lắng, sợ hãi,...); 60,7% trẻ em cũng cho rằng bị bôi nhọ danh dự, nhân phẩm.

 

 

Nhiều trẻ em đã biết cách ứng phó và tìm kiếm sự trợ giúp khi bị xâm hại trên không gian mạng như tìm kiếm người tin cậy giúp đỡ; báo cáo với thầy cô, nhà trường; gọi tổng đài 111 hoặc 113… đồng thời các em cũng nhận thức được hậu quả của xâm hại trên không gian mạng như ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần (85,6%) và bị bôi nho danh dự, nhân phẩm (60,7%).

Nguyên nhân dẫn đến bị xâm hại, bạo lực trên mạng được các em đưa ra chủ yếu do sử dụng điện thoại sớm khi chưa đủ kiến thức; chưa có kỹ năng sử dụng Internet an toàn và do cha mẹ không kiểm soát chặt chẽ.

 

 

Các em cũng đề xuất cần tăng cường giáo dục tại trường học, trong đó chủ yếu là: cách xử lý tình huống khi bị dụ dỗ trên không gian mạng; kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân; cách tiếp cận các nguồn thông tin chính thống; kỹ năng phòng, chống xâm hại trên không gian mạng hay biết số điện thoại đường dây nóng, các tổ chức khi cần hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều hoạt động để nâng cao kỹ năng phòng, chống xâm hại trên không gian mạng như: các lớp học kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống xâm hại; hộp thư "Điều em muốn nói"; diễn đàn trẻ em; nói chuyện chuyên đề và các hoạt động như Hội đồng trẻ em để trẻ em nói lên được tiếng nói của mình.

 

Cùng tham gia với các em, đồng chí Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ đã có những chia sẻ bổ ích với các đại biểu thiếu nhi

 

Các em cũng cho rằng, mỗi bạn thiếu nhi hãy tự làm một tuyên truyền viên để có thể chia sẻ cho các bạn xung quanh; tích cực tìm hiểu thông tin để tránh xa các tệ nạn xã hội; cung cấp kiến thức cho cha mẹ biết cách quản lý và hỗ trợ trẻ em sử dụng Internet an toàn./.

 

Kiều Anh