Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023

20:51 30/08/2023     6087

Hoạt động Hội, Đội   ĐTN: Tại buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I năm 2023, ban tổ chức cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ tham dự phiên toàn thể Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em diễn ra vào sáng ngày 10/9/2023 tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội.

Từ ngày 8-10/9/2023, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023. 

 

Chiều 30/8, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Gặp mặt báo chí thông tin về Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023

 

Đây là mô hình mới nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em; tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Đồng thời giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội; tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

263 đại biểu thiếu nhi, 63 đại biểu phụ trách tham dự Phiên họp

Tham dự Phiên họp có 326 đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 263 đại biểu thiếu nhi và 63 đại biểu phụ trách. Thành phần đại biểu thiếu nhi gồm 203 em có thành tích học tập và rèn luyện tiêu biểu; 28 em có hoàn cảnh đặc biệt; 03 thiếu nhi khuyết tật, 21 em đang sinh sống tại khu vực đặc biệt khó khăn, biên giới, biển đảo, 05 em là con thanh niên công nhân, lao động trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, 61 em là người dân tộc thiểu số và 08 em là thiếu nhi tôn giáo.

Đặc biệt, 110 em trong số đại biểu thiếu nhi là thành viên Hội đồng trẻ em cấp tỉnh và cấp huyện. Đây là mô hình được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2017 với 05 mô hình thí điểm tại 05 tỉnh, thành phố gồm Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định và TP HCM. Đến nay, mô hình "Hội đồng trẻ em" đã nhân rộng gồm 17 Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 35 Hội đồng trẻ em cấp huyện, 04 Hội đồng trẻ em cấp xã.

 

Đồng chí Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương, Phó trưởng Ban tổ chức Phiên họp thông tin về công tác chuẩn bị Phiên họp

 

Phiên họp sẽ tập trung vào 02 chủ đề chính là “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”; “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”. Đây là những vấn đề đang được trẻ em và toàn xã hội đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Để chuẩn bị cho phiên họp, T.Ư Đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành có mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức kỳ họp Hội đồng trẻ em theo 2 chủ đề của phiên họp. Đồng thời, các tỉnh, thành đoàn cũng tổ chức cho đại biểu trẻ em của đơn vị mình được tiếp xúc, lắng nghe, tổng hợp ý kiến của trẻ em trên địa bàn liên quan đến 02 chủ đề của phiên họp.

Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn đã xây dựng bộ câu hỏi và triển khai khảo sát ý kiến của trẻ em về 2 chủ đề tại phiên họp bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp trên phạm vi toàn quốc. Tính đến ngày 22/8, T.Ư Đoàn đã tiếp nhận được 40.050 phiếu trả lời của trẻ em các tỉnh, thành phố.

Dự kiến Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 08-10/9 tại Hà Nội. Trong chương trình, các đại biểu sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Bắc Sơn; tham quan Bảo tàng Quốc hội và tập huấn các kỹ năng tham gia phiên họp giả định; chia 08 tổ thảo luận 02 nội dung chủ đề của phiên họp.

Phiên toàn thể phiên họp giả định Quốc hội trẻ em sẽ diễn ra vào sáng 10/9 tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội. Phiên họp sẽ do trẻ em điều hành xoay quanh hai chủ đề chính. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ tham dự phiên họp.

Phiên họp giả định gần nhất với phiên họp thực tế

Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí, đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Phiên họp cho biết, phiên họp giả định được quốc hội các nước trên thế giới tổ chức khá phổ biến dưới nhiều tên gọi khác nhau. Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em sẽ cung cấp cho các em kiến thức về tổ chức bộ máy nhà nước, về Quốc hội, về lập pháp; đồng thời định hướng nghề nghiệp cho các em, bởi sau khi đóng vai các Nghị sĩ có thể các em sẽ có đam mê với hoạt động chính trị, nghề nghị sĩ.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Phiên họp chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí

 

Đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa cũng cho biết, Ban tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em sẽ cố gắng đưa các quy trình, thủ tục tiến hành một phiên họp trọn vẹn và gần nhất với tiến trình thực hiện một phiên họp thực tế như: khai mạc phiên họp, phát biểu thảo luận, tổng hợp ý kiến đại biểu, tiếp thu giải trình, biểu quyết thông qua, bế mạc phiên họp... 

Theo đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thường xuyên lắng nghe ý kiến, kiến nghị của trẻ em, thực hiện đối thoại với trẻ em. Vì thế, Phiên họp là cơ hội để Quốc hội đối thoại với đối tượng cử tri đặc biệt, đó là là trẻ em; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị về các nội dung các em đã lựa chọn và thể hiện cao nhất ở Nghị quyết phiên họp mà các em sẽ thông qua. "Chúng tôi coi Nghị quyết này là bản kiến nghị của cử tri là trẻ em về những giải pháp, biện pháp, yêu cầu mà Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ phải thực hiện trong thời gian tới", đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa khẳng định.

Hai chủ đề thảo luận "sát sườn" với trẻ em

Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cho biết, hai nội dung được lựa chọn thảo luận tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I là những vấn đề đang rất được quan tâm và "sát sườn" với trẻ em. 

 

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban Tổ chức Phiên họp trao đổi với phóng viên báo chí

 

Theo đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, với vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã tiếp nhận nhiều thông tin từ các đoàn giám sát cũng như lắng nghe trực tiếp các em về các vấn đề trẻ em quan tâm. Trong đó, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích ở trẻ em hay cách thức để trẻ em khai thác được những điểm tích cực, tránh xa tiêu cực trên không gian mạng... là những vấn đề nổi bật nhất trong thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang cũng cho hay, thời gian qua, các cấp Đoàn, Đội đã có nhiều mô hình chăm sóc, giáo dục trẻ em và đặc biệt là phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em như: Hội đồng trẻ em, CLB Quyền trẻ em, Liên hoan các Đội tuyên truyền măng non về Luật trẻ em... 

 

Đại biểu thiếu nhi trao đổi tại buổi gặp gỡ báo chí

 

Tuy nhiên, mô hình Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em được tổ chức với nhiều điểm mới, nổi bật như: lần đầu tiên mô hình được triển khai với quy mô lớn gồm 263 đại biểu thiếu nhi của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; lần đầu tiên phiên họp giả định được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng; lần đầu tiên các đại biểu được lựa chọn từ Hội đồng trẻ em các cấp đã thực hiện vai trò tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của cử tri từ cơ sở; lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội dự toàn bộ phiên họp của các em và sau phiên họp kết thúc, các em được Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành của Chính phủ trực tiếp trao đổi, đánh giá, chia sẻ về những vấn đề các em đề xuất.

Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cho biết thêm, sau phiên họp giả định, các em sẽ thông qua Nghị quyết của phiên họp. Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của cử tri đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em. "Không chỉ là các em đang quan tâm vấn đề gì, mà từ việc đóng vai đại biểu Quốc hội, các em sẽ kiến nghị, đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề đó làm cơ sở để Quốc hội, các cấp, các ngành xây dựng và triển khai thực hiện chính sách tốt hơn nữa đối với trẻ em", đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh./.

 

Kiều Anh