Gieo hy vọng cho những em nhỏ thiệt thòi

09:01 01/09/2015     1138

Hoạt động Hội, Đội   Dự án “The Marvelous Children - Những đứa trẻ phi thường” do một nhóm sinh viên khởi xướng, hướng tới việc dạy các em nhỏ bị bại não, tự kỷ, chậm phát triển đang điều trị nội trú tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tập hát, tô màu, thể hiện tình yêu thương với bố mẹ… Sau nửa năm hoạt động, dự án đã mang tới những thay đổi tích cực cho các em.
Ý tưởng về Dự án “Những đứa trẻ phi thường” được Nguyễn Minh Hằng (cựu sinh viên trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội) “thai nghén” trong những lần Hằng đi tình nguyện ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương và chứng kiến sự thiệt thòi của những bệnh nhi bại não, tự kỷ, chậm phát triển. Sau đó, Hằng và một số bạn bè đã triển khai dự án này dưới bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững Việt Nam (CSDS VN)-một tổ chức phi lợi nhuận, đăng ký hoạt động tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ. Đến nay, sau nửa năm hoạt động, tình nguyện viên (TNV) của dự án có khoảng hơn 20 người, là sinh viên đang theo học tại nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

TNV dạy các em nhỏ tập viết. (Ảnh do nhân vật cung cấp).
TNV dự án đến tận giường bệnh thăm các em nhỏ. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Trưởng dự án Nguyễn Minh Hằng cho biết, vào tháng 1-2015, dự án tiến hành một cuộc khảo sát tại Khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương và Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Kết quả cho thấy, vì quá trình điều trị dài trong bệnh viện (khoảng 1,5 tháng đối với một đợt điều trị, 6 đợt mỗi năm) nên 100% trẻ em bị bệnh bại não không được đi học mẫu giáo. Chỉ có 10% trẻ tự kỷ và chậm phát triển có cơ hội đi học ở những trường học đặc biệt. Khoảng 90% gia đình của các em đến từ vùng nông thôn của Việt Nam, hiếm khi được tiếp cận với nguồn thông tin cần thiết để phát triển con em mình.

“Khi đến khảo sát tại 2 bệnh viện trên, thành viên dự án đã rất buồn khi nghe nhiều câu chuyện cha mẹ bỏ rơi con do bi quan về bệnh tật và cơ hội phát triển của con mình sau này. Nhưng thực tế là vẫn có nhiều trẻ em bị bại não, tự kỷ và chậm phát triển có thể trở thành nghệ sĩ, vận động viên, diễn viên hài, nhà văn… Các em có thể vượt quá những khó khăn ban đầu nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ gia đình. Với dự án này, chúng tôi muốn giúp đỡ các em nhỏ, đồng thời thay đổi những quan điểm chưa đúng của các bậc phụ huynh. Trước mắt, chúng tôi dạy các bệnh nhi tập hát, tập vẽ, chơi trò chơi, để các em cảm thấy vui hơn khi điều trị ở viện, tăng cường khả năng phục hồi; sau đó là trang bị kiến thức, khích lệ các bậc phụ huynh quan tâm, tin tưởng vào sự thay đổi kỳ diệu của con em họ trong tương lai”, Hằng chia sẻ.

Sau khi khảo sát thêm ở nhiều bệnh viện khác ở Hà Nội, nhóm dự án quyết định chọn Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là nơi đầu tiên triển khai dự án. Bởi số lượng bệnh nhi bại não, tự kỷ, chậm phát triển ở đây khá đông, thường điều trị nội trú từ 3 đến 5 tuần. Tại bệnh viện này cũng chưa có tổ chức xã hội, tình nguyện nào triển khai các dự án giúp đỡ các bệnh nhi thuộc nhóm đối tượng trên.
TNV tham gia lớp học đặc biệt, các em nhỏ được tập tô màu, tập vẽ, chơi trò chơi… (Ảnh do nhân vật cung cấp)
TNV tham gia lớp học đặc biệt, các em nhỏ được tập tô màu, tập vẽ, chơi trò chơi… (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hoàn thành xong hồ sơ dự án và được sự đồng ý từ phía lãnh đạo bệnh viện, cứ đến chiều thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, các TNV của dự án lại mang theo giấy, bút màu, đồ chơi… đến bệnh viện. Tham gia lớp học đặc biệt này, các em nhỏ được tập múa theo bài hát, tập tô màu và học cách thể hiện tình yêu thương với bố mẹ và các anh chị TNV. “Với những em tay bị yếu, các TNV sẽ hướng dẫn em đó cách cầm, nắm đồ chơi. Có lần một phụ huynh bế con ra lớp học, em này chân tay thẳng đừ, chỉ nằm được thôi. Khi nhìn thấy các bạn chơi thì gương mặt em cũng tỏ vẻ háo hức lắm. Biết em ấy không thể tham gia các trò chơi vận động, chúng tôi đã ra nắn bóp chân tay, nói chuyện, cho em ấy nghe nhạc và em ấy đã mỉm cười rất tươi”, Trưởng ban Nội dung dự án-Bùi Thị Huyền (ĐH Kinh tế-ĐH Quốc gia HN) kể.

Ngoài việc dạy học, chơi đùa với các bệnh nhi, TNV dự án còn dành thời gian để lắng nghe tâm sự của người thân các em. Dịp Tết thiếu nhi 1-6 vừa rồi, dự án còn tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ với các hoạt động văn nghệ, diễn kịch, liên hoan bánh kẹo, phát quà khiến các em nhỏ rất thích. Đặc biệt, buổi liên hoan hôm đó còn có sự tham gia của các bác sĩ khoa Nhi, những người đang trực tiếp chăm sóc và điều trị cho các em. Các bác sĩ tỏ ra hài lòng với những hiệu ứng tích cực mà dự án mang lại.


Tuy nhiên, qua hoạt động, nhóm dự án thấy rằng, việc dạy học, chơi đùa cùng các em nhỏ chỉ mang lại những hiệu quả tức thời. Việc chăm sóc và giáo dục một em nhỏ khuyết tật thì cần nhất là sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ và gia đình các em. Bởi họ mới là người đồng hành lâu dài, nắm bắt và tạo ra những thay đổi tích cực trong quá trình phát triển của con em mình. Vì thế, sắp tới dự án sẽ chú trọng hơn vào việc nâng cao hiểu biết cho người thân các bệnh nhi về căn bệnh mà các em đang mắc phải, cách thức chăm sóc, động viên để các em tự tin, nâng cao khả năng khỏi bệnh.

Huyền cho biết: “Chúng tôi đã từng thiết kế cẩm nang tập hợp các câu chuyện có thật về những bệnh nhân bại não, tự kỷ, chậm phát triển đã vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống, rồi phát cho phụ huynh, giúp họ có niềm tin hơn. Thời gian tới, dự án sẽ mời các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia giao lưu, chia sẻ với phụ huynh. Chúng tôi tin rằng nếu các bệnh nhi được tiếp cận với giáo dục cơ bản cùng với sự hiểu biết đầy đủ của các bậc cha mẹ và người thân trong gia đình sẽ có thể tạo ra những thay đổi kỳ diệu trong sự phát triển của các em sau này. Ngoài Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình dự án ra một số bệnh viện khác tại Hà Nội”.