Xoay trở, tạo việc làm cho 15,3 triệu lao động

09:38 10/12/2011     2194

Xây dựng Đoàn   “Xúc tiến việc làm bền vững, cải thiện thu nhập, giảm nghèo và duy trì ổn định xã hội. Tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 70% vào năm 2020 và từ nay đến năm 2020, mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...”.
a
Chiến lược việc làm xác định sẽ tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 70%. Trong ảnh: sàn giao dịch việc làm tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM)

Đó là những mục tiêu chính của chiến lược việc làm VN giai đoạn 2011-2020, được ông Nguyễn Đại Đồng, cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH, cho biết tại hội thảo “Chiến lược việc làm VN, 2011-2020” (do Tổ chức Lao động quốc tế-ILO và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 9-12).

Nhiều thách thức

Báo cáo tổng hợp của ILO cho rằng thách thức lớn nhất đối với VN là trong mười năm tới làm sao phải tạo việc làm mới cho 15,3 triệu lao động. Trình bày dự thảo chiến lược việc làm VN đến năm 2020, ông Nguyễn Đại Đồng cũng thừa nhận thách thức này.

Theo lý giải của ông Đồng (và cả ILO), dự báo dân số VN đến năm 2020 sẽ trên 96,2 triệu người, và số người tham gia lực lượng lao động vào năm đó sẽ trên 63 triệu, tức là sẽ có thêm khoảng 9,5 triệu người tham gia lực lượng lao động. Cùng với 1,3 triệu lao động đang thất nghiệp và trên 4,5 triệu lao động đang thiếu việc làm, hoặc có việc làm nhưng vẫn nghèo tạo thành con số 15,3 triệu việc làm mới cần phải giải quyết trong 10 năm tới, “đó quả thật là một thách thức đối với VN” - ông Đồng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng ngoài thách thức “tăng cường việc làm đầy đủ” cho 15,3 triệu lao động mới, thời gian tới VN cũng cần giải quyết các thách thức khác như: làm sao để năng suất lao động cao và bền vững phù hợp với quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, tái cơ cấu khu vực kinh tế có năng suất thấp, xây dựng chế độ tiền lương phù hợp với năng suất, cải thiện quan hệ lao động, giải quyết sự mất cân đối giữa cung - cầu, thúc đẩy sự chuyển dịch lao động từ phi chính thức sang chính thức, cũng như những vấn đề khác của chính sách công có tác động tới quản lý thị trường lao động...

Ông J.M. Salazar, giám đốc điều hành phụ trách khối việc làm của ILO, nhấn mạnh đến một khó khăn khác là tại VN, do thiếu các biện pháp an sinh xã hội nên hầu hết người lao động trong khu vực nông nghiệp làm việc với năng suất thấp, việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang các hoạt động sản xuất, dịch vụ và di chuyển đến các khu công nghiệp ở những thành phố lớn. Cùng với đó là tình trạng thất nghiệp, công việc làm khó khăn, thu nhập thấp và ít được bảo vệ.

Theo bà Phan Ngọc Mai Phương, phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư), thách thức đối với VN là mức gia tăng lớn của lực lượng lao động (1,1 triệu người/năm) và lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp (600.000 người/năm). Thêm vào đó là tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao (hiện gần 6,7%) và sẽ “nghiêm trọng” hơn khi mỗi năm có thêm 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động...

Đột phá: nguồn nhân lực

Ông Nguyễn Đại Đồng cho rằng “điểm đột phá” trong chiến lược cũng là cách để thực hiện các mục tiêu chính là nguồn nhân lực. Theo ông Đồng, cùng với các giải pháp hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về việc làm, các chính sách thúc đẩy việc làm năng suất thì một giải pháp quan trọng, mang tính đột phá của chiến lược chính là nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Về nâng cao chất lượng nguồn lao động, ông Đồng cho rằng phải xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình giáo dục bắt buộc cho tất cả người lao động. Cải cách các chương trình, chính sách giáo dục và đào tạo nghề để tạo ra mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa giáo dục, đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động. Theo ông Đồng, một giải pháp trong thời gian tới là làm sao đẩy mạnh, tăng cường phạm vi và chất lượng các chương trình giáo dục chung và chương trình đào tạo nghề, cải thiện chất lượng và đa dạng hóa các chương trình giáo dục bậc cao để từ đó có nguồn lao động chất lượng cao hơn.

Bà Mai Phương cũng đồng tình quan điểm của ông Nguyễn Đại Đồng rằng “điểm đột phá” để thực hiện các mục tiêu về việc làm chính là phát triển nguồn nhân lực. Theo bà Phương, chiến lược việc làm VN đến năm 2020 cũng chính là góp phần cụ thể hóa những định hướng chính sách chung của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Vì thế chiến lược việc làm phải được lồng ghép trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội thảo, các chuyên gia về việc làm của ILO cho rằng giải quyết các thách thức về việc làm cần thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong khu vực kinh tế chính thức và nâng cao chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp và khu vực kinh tế phi chính thức của khu vực phi nông nghiệp.

Tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 70%

Mục tiêu chiến lược việc làm VN: tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 70% vào năm 2020, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt trên 55%. Tỉ lệ thanh niên dưới 24 tuổi không tham gia việc làm, giáo dục, đào tạo giảm xuống ít nhất 5%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động mỗi năm. Tỉ lệ tăng trưởng việc làm bình quân 2%/năm. Tốc độ tăng số lượng việc làm trong khu vực phi nông nghiệp từ 4-5%/năm. Giảm tỉ lệ lao động phi chính thức trong khu vực phi nông nghiệp xuống còn 50% vào năm 2020. Năng suất lao động hằng năm tăng 4%. Tốc độ tăng tiền lương thực tế bình quân 5%/năm. Tỉ trọng việc làm trong nông nghiệp giảm còn 40% trên tổng số việc làm năm 2015 và 30% năm 2020...