Thuốc lá thế hệ mới - hiểm họa với giới trẻ

10:31 05/07/2023     448

Nhịp sống trẻ   Mặc dù chưa được luật pháp cho phép sử dụng ở nước ta, nhưng các loại thuốc lá thế hệ mới vẫn xuất hiện trên thị trường. Tuy loại thuốc lá này chứa nhiều độc tố ảnh hưởng sức khỏe, nhưng lại được giới trẻ ưa thích sử dụng và đang có chiều hướng gia tăng.

Hiện nay trên thị trường đã đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng/nung nóng (HTPs). Cả hai loại sản phẩm thuốc lá điện tử này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào.

Một số thuốc lá điện tử hay còn gọi là vape có hình dáng giống với thuốc lá truyền thống, xì gà hoặc ống điếu, một số khác trông giống như cây bút, USB hoặc có thiết kế hoàn toàn khác nhau. Thuốc lá điện tử có loại dùng một lần và loại có thể “sạc” lại. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch – loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Dung dịch này thường chứa nicotin, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.

Thực tế, ngành công nghiệp thuốc lá đã lên một kế hoạch trên phạm vi toàn cầu với chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như: Thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ,… Cùng với đó, ngành công nghiệp thuốc lá tiến hành giới thiệu sản phẩm và dùng thử ở các cửa hàng bán lẻ; sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng/có ảnh hưởng quảng cáo thuốc lá; tận dụng độ tuổi trẻ của những người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng như Facebook, Instagram, Tiktok,..., đồng thời, bán thuốc lá qua các trang thương mại điện tử.

Các hoạt động mà các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia tiếp cận giới trẻ bằng cách thông qua việc quảng bá gây nhầm lẫn cho người sử dụng rằng các sản phẩm thuốc lá mới là sản phẩm ít hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường và là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá thông thường.

Tuy nhiên, theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotin - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ… Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn gây tổn thương phổi cấp. Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định hiện không có bằng chứng quốc tế chứng minh thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm (Cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho hay, nếu như trước kia, người sử dụng thuốc lá truyền thống còn e dè, tránh cho người thân không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khói thuốc thụ động thì ngày nay, do tin vào lời quảng cáo rằng thuốc lá thế hệ mới không nguy hại, họ vô tư hút trong phòng kín, mà không lo ảnh hưởng đến người xung quanh.

Theo phân tích của ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, thuốc lá điện tử với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.

Thêm vào đó, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Theo đó, do nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Tại Việt Nam, theo kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019”, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử ở học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở học sinh thành thị là 3,4%. Tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn hơn và thuốc lá điện tử sẵn có hơn, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (TLĐT) ở học sinh hiện rất đáng quan ngại.

Theo Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) tiến hành năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng TLĐT ở học sinh lớp 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Những con số này cho thấy tỷ lệ giới trẻ hút TLĐT có xu hướng ngày càng gia tăng.