Thách thức đến từ khói thuốc
09:52 21/07/2022 1967
Nhịp sống trẻ Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Dễ mua, xử phạt nhẹ
Một cậu bé mới chỉ học cấp 2 vẫn có thể mua được thuốc lá ở quầy tạp hóa. Trong các cơ quan hành chính, nhiều người vẫn tự nhiên... hút thuốc. Đây chính là hiện trạng khiến công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương, tùy theo tình hình dịch bệnh Covid-19, tăng cường phối hợp liên ngành triển khai hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá cũng như tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng chống tác hại thuốc lá theo quy định. Tiếp tục đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, quy ước tại thôn, ấp, bản, tổ dân phố; treo biển báo cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc tại nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng và các địa điểm công cộng trong nhà khác theo quy định Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Theo Bộ Y tế, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhiều loại bệnh tật hiện nay. Hiện có khoảng 90% số bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá.
Tại Việt Nam, hơn 75% các ca tử vong hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân chính.
Chứa 69 chất gây ung thư
Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Hiện nay thuốc lá điện tử đang xâm nhập các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.
WHO cho rằng, các sản phẩm thuốc lá điện tử có khoảng hơn 15 nghìn loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe, đặc biệt trong thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện.
Nghiên cứu do Viện Chiến lược và chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho kết quả tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%, độ tuổi học sinh lớp 10 - 12 cao hơn với 12,6%.
Tweet