Hút thuốc và bệnh tật

10:35 24/08/2020     587

Nhịp sống trẻ   Nghiện thuốc lá thuộc nhóm bệnh rối loạn tâm thần và hành vi, có mã bệnh F17 theo phân loại bệnh tật ICD-2011. Đây cũng là một lý giải tại sao việc từ bỏ sử dụng thuốc lá trở nên khó khăn đối với nhiều người, mặc dù nhu cầu và mức độ sử dụng có khác nhau.

Việc sử dụng thuốc lá không đúng nơi quy định gây nên tình trạng hút thuốc thụ động, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác, là sự vi phạm quyền bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc. Không những thế, hút thuốc lá là nguyên nhân số 1 gây nên “nạn dịch” về bệnh tật dẫn đến những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội.

Ở Việt Nam có 15.6 triệu người hút thuốc, đứng thứ 3 trong khu vực Asean và đứng thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%. Bên cạnh đó, có 28,5 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động ở nhà và 5,9 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc. (Theo điều tra GATS 2015).

Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Vì vậy người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy.

Thời gian qua, số lượng người hút thuốc ở Việt Nam gia tăng là vì: Thuốc lá là một mặt hàng gây nghiện nên người đã hút sẽ rất khó để bỏ thuốc, việc cai nghiện cũng cần thời gian, trong khi đó sẽ luôn có những người hút mới.