Trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã trải lòng

09:09 27/06/2013     3270

Công tác giáo dục   Tại Hội nghị sơ kết dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại Hà Nội, nhiều ý kiến tâm huyết và những việc đã làm được, những dự định ấp ủ của trí thức trẻ sau một năm đảm đương nhiệm vụ tại địa phương đã được trải lòng.
Anh Trịnh Bảo Luân, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Bình Định chia sẻ: Tôi sinh ra trên quê hương Vĩnh Thạnh còn nghèo lắm, cái nghèo đeo bám mọi người trong mọi sinh hoạt hàng ngày và nhiều người rời xa quê hương đề tìm cơ hội công việc tại các thành phố lớn là giải pháp thoát nghèo.

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội trở về huyện làm việc, giúp tôi thấm thía hơn cái khó, cái nghèo của bà con quê hương mình. Khi tìm hiểu và đăng ký dự án 600 Phó Chủ tịch xã, đã có không ít băn khoăn, ái ngại khi phía trước là thử thách trong khi công việc đang thuận lợi. Nhưng có ai đó đã từng nói “trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn con đường đúng nhất cho mình”. Với tôi, con đường làm Phó Chủ tịch xã chứa đựng biết bao tâm huyết, dự định, hoài bão tương lai.

Trịnh Bảo Luân cùng và bà con xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn.
 Phó Chủ tịch xã Trịnh Bảo Luân cùng và bà con xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Sau khi được HĐND xã bầu làm Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế, tôi đã tìm tòi và đưa ra đề án trồng ngô non cung cấp cho trang trại bò sữa và xây dựng cánh đầu mẫu lớn cho nông dân trong xã. Thực hiện đề án, bà con đã thí điểm hơn 15 ha ngô non cung cấp cho trang trại bò sữa. Sau khoảng 60-70 ngày chăm sóc, người dân đã thu hoạch cả trái non và thân cây bán với giá 900đ/kg. Năng suất trung bình đạt 360 tạ/ha, so với cách làm cũ chênh lệch 8,4 triệu đồng/ha. Với cách làm đơn giản, thu hoạch dễ dàng người dân phấn khởi và đăng ký năm tới tiếp tục trồng cây ngô non.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn trực tiếp lăn lộn xuống ruộng đồng với bà con để xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích bước đầu là 20 ha. Để mô hình thành công, chúng tôi luôn bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn, cộng với sự chăm chỉ của bà con, kết quả mang lại thật đáng mừng với năng suất cao nhất từ trước đến nay là 72,2 tạ/ha. Qua mô hình, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ và cách làm mơi vào nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập.

Đồng thời, tôi cùng HTX xây dựng đề án thu gom rác thác và xây dựng chương trình 167 của tỉnh. Đó là, tỉnh hỗ trợ 167 tấn xi măng/1km đường, người dân bỏ công và tiền làm đường xi măng. Đến nay, xã Vĩnh Quang là địa phương duy nhất của huyện thực hiện được việc thu gom rác thải. Còn đường bê tông đã hoàn thành được 11,8 km trên tổng số 21 km toàn huyện.

Điều chúng tôi trăn trở nhất là tạo việc làm cho thanh niên nông thôn và lao động nhàn rỗi. Tôi cho rằng, trước mắt cần tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo hỗ trợ giống mì và thâm canh để nâng cao năng suất, đề xuất mô hình trồng chuối tiêu hồng, hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình vỗ béo bò, nhân rộng mô hình trồng ớt...

Sau một năm nhận nhiệm vụ, Ninh Thị Kim Thảo xã Bản Xen, Mường Khương, Lào Cai cho biết lĩnh vực mà chị phụ trách đã có bước tiến triển. Cụ  thể, diện tích lúa, ngô đều đạt và vượt kế  hoạch được giao. Vận động nhân dân thực hiện trồng mới 70ha chè, kết quả đã trồng được 94,8 ha, vượt kế hoạch 35%. Năm 2012 động viên được 7 hộ gia đình trồng được 4 ha chè Shan. Hướng dẫn bà con trồng 9 ha khoai tây vụ đông và nhiều loại rau màu khác.

Thảo cho biết, xã Bản Xen được tỉnh xây dựng và phấn đấu đến năm 2014 hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Tôi đã cùng với lãnh đạo xã thực hiện đăng ký các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí về giao thông nông thôn. Năm 2013 xã Bản Xen đăng ký đổ 11,7 km đường bê tông và mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” để nhân rộng ra toàn xã.

Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Trương Thị Trang, xã Trung Đồng, Tân Uyên, Lai Châu nói: Tôi được bầu Phó Chủ tịch xã phụ trách mảng Văn hóa – xã hội xã Trung Đồng. Bước đầu tiên tôi đã chỉ đạo kiện toàn BCĐ phổ cập giáo dục của xã, duy trì các hoạt động của BCĐ, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên phụ trách các bản và tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân cho con em ra lớp đúng độ tuổi. Vận động bà con đóng góp vật liệu và ngày công xây dựng và sửa chữa các trường lớp học tạm, dựng nhà bếp nấu ăn...

Tôi tham mưu và chỉ đạo Trạm Y tế xã thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, chăm sóc bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, hàng tháng tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, nói chuyện đến các thôn bản về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống AIDS, đã kết hợp với Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên triển khai xây dựng được 60 nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn xã…

Một năm chưa phải là dài, những khó khăn chỉ giúp thêm cho những đôi chân của các bạn trẻ tham gia Đề án thêm cứng cáp. Còn nhiều lắm những dự định ấp ủ, những hy vọng còn mong đợi phía trước. Những bạn trẻ mà chúng tôi tiếp xúc đều tự dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự mong đợi của nhân dân.