Trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đồng chí Bùi Sơn Tùng

15:07 17/05/2018     1326

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Chào mừng kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018), sáng ngày 17/5, tại Hà Nội, Đảng ủy Trung ương Đoàn đã tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đồng chí Bùi Sơn Tùng.
Đến trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, có các đồng chí: Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Bí thư Đảng ủy Trung ương Đoàn; Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Trung ương Đoàn và lãnh đạo Báo Tiền phong.



g
Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Bí thư Đảng ủy Trung ương Đoàn găn Huy  gắn Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đợt 19/5/2018 cùng Quyết định, giấy chứng nhận cho đồng chí Bùi Sơn Tùng.


Thừa ủy quyền của Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Trung ương Đoàn đã công bố Quyết định trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đồng chí Bùi Sơn Tùng (sinh 8/8/1927), quê quán xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; vào Đảng ngày 20/7/1948, chính thức 05/10/1948 và sinh hoạt tại Đảng bộ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đã công tác tại Báo Tiền Phong thuộc cơ quan Trung ương Đoàn.

Tại buổi lễ, đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Bí thư Đảng ủy Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đã gắn Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đợt 19/5/2018 cùng Quyết định, giấy chứng nhận trước sự chứng kiến của các đồng chí đảng viên lão thành và gia đình đồng chí Bùi Sơn Tùng.

Được biết, năm 1944, 16 tuổi, Bùi Sơn Tùng hăng hái tham gia cách mạng. Đầu năm 1955, về Hà Nội, Sơn Tùng vào học tại trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961, ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong. Năm 1965, phóng viên Sơn Tùng là đặc phái viên thường trú báo Tiền Phong tại Khu IV, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh. Năm 1967, ông xung phong đi B. Dọc đường vào chiến trường, ông tiếp tục lần tìm những nhân chứng liên quan đến đề tài về Bác Hồ.

Ngày 15/4/1971, nhà báo Sơn Tùng bị thương trong khi ông đang viết bài xã luận cho số báo đặc biệt chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam tại căn cứ Tà Nốt (thuộc tỉnh Tây Ninh) ở Chiến khu Đ. Mang trên mình 14 vết thương, 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não, trở về Hà Nội, Sơn Tùng lao vào miệt mài xây dựng các tác phẩm văn học về đề tài Bác Hồ và các danh nhân văn hóa của dân tộc, mà ông đã đau đáu hàng chục năm trời.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Bùi Sơn Tùng cùng gia đình


Theo ông Bùi Sơn Định (con trai cả của Bùi Sơn Tùng), nhà văn Sơn Tùng có khoảng 30 đầu sách gồm tác phẩm văn học, thơ..., trong đó có gần 15 đầu sách viết về Bác Hồ.

Trong số các tác phẩm viết về Bác Hồ, tác phẩm “Búp sen xanh” viết về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phẩm thành công nhất. Tác phẩm “Búp sen xanh” đã được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản, tái bản nhiều lần và được đưa vào tủ sách vàng của Nhà xuất bản.

Thay mặt gia đình, bà Phan Hồng Mai (vợ nhà Văn Sơn Tùng) đã gửi lời cảm ơn tới Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Đảng ủy Trung ương Đoàn, các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn và báo Tiền Phong, đồng thời khẳng định đây là nguồn động viên rất lớn, là niềm vinh dự đối với gia đình chúng tôi.