Tiếng 'hòa bình' trao truyền qua bao thế hệ

10:30 20/07/2017     1410

Công tác giáo dục   “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình” diễn ra tối 20-7 tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn không chỉ là câu chuyện gợi nhắc khát vọng, mà còn là trách nhiệm của mỗi người trẻ về xây dựng và giữ gìn hòa bình.

f
Lễ thắp nến tri ân đã trở thành hoạt động truyền thống của tuổi trẻ TP.HCM cùng cả nước vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 nhiều năm qua

"Truyền thống cách mạng, máu xương đã đổ xuống của bao thế hệ cha anh nhắc nhở và đòi hỏi tuổi trẻ hôm nay phải sống tốt hơn, nỗ lực nhiều hơn, dấn thân nhiều hơn, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân tốt hơn để VN mãi mãi hòa bình, ổn định và ngày càng phát triển" - đồng chí Lê Quốc Phong.

Chia sẻ trước giờ diễn ra chương trình,
đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết:

g
Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong
- Chúng tôi chọn nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn thực hiện chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình” không chỉ vì nơi đây có hơn 10.000 liệt sĩ đến từ nhiều vùng miền của đất nước đang yên nghỉ, mà còn vì những địa danh như: Trường Sơn, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, thành cổ Quảng Trị... vốn có sức hội tụ, sức lan tỏa rất lớn về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, tinh thần, ý chí, khát vọng hòa bình của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Diễn ra ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nhưng là tấm lòng, tình cảm của tuổi trẻ
Việt Nam  tri ân các anh hùng liệt sĩ. Mỗi nghĩa trang liệt sĩ đều ghi dấu sự chiến đấu anh dũng, kiên cường của bao thế hệ anh hùng, đều là biểu tượng của khát vọng hòa bình mà chúng tôi mong muốn làm nhiều chương trình hơn nữa ở những nơi như thế.

* Nhắc đến chiến tranh không phải gợi lại nỗi đau mà để càng trân quý hơn giá trị của hòa bình...

- Tuổi trẻ hôm nay nhìn về những năm tháng chiến tranh để cảm nhận rõ hơn giá trị của tiếng “hòa bình”, không chỉ thừa hưởng mà tham gia giữ gìn, bồi đắp và trao lại cho thế hệ tiếp nối. Đoàn thanh niên luôn xem trọng việc giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống dân tộc bằng hoạt động về nguồn, hành trình đến bảo tàng, gặp gỡ nhân chứng lịch sử...

* Hành trình “Theo bước chân những người anh hùng” cũng là một trong những hoạt động mang tính giáo dục, thưa đồng chí?

- Hành trình diễn ra tại 70 địa điểm di tích lịch sử cách mạng, các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước là điểm nhấn quan trọng. Tại mỗi điểm dừng, đoàn viên, thanh niên sẽ thăm, tặng quà, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ
Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

Các bạn sẽ tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, xây dựng, sửa chữa nhà ở giúp gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, xây dựng 70 tủ sách về đề tài truyền thống, triển lãm ảnh “Tuổi trẻ Việt Nam - 70 năm hành trình đền ơn đáp nghĩa”.

Tuổi trẻ đồng loạt thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ với chủ đề “Màu hoa đỏ”, nói về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tu sửa khu tưởng niệm thanh niên xung phong giải phóng miền Nam tại Tây Ninh.

Tối ngày 26/7, tuổi trẻ cả nước đồng loạt tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ toàn quốc. Trung ương Đoàn sẽ tổ chức tại năm nghĩa trang liệt sĩ: Vị Xuyên (Hà Giang), Quốc tế Việt - Lào (Nghệ An), Trường Sơn (Quảng Trị), Hàng Dương - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tân Biên (Tây Ninh).

* Thông điệp nào Ban tổ chức muốn chuyển tải ở “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình”?

- Trao học bổng cho con em những người đã và đang trực tiếp giữ gìn hòa bình cho đất nước là một nội dung quan trọng xuyên suốt chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình”.

Trong nỗ lực của ban tổ chức chương trình, 70 suất học bổng (10 triệu đồng/suất) lần này sẽ được trao cho các sinh viên con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực học tập tốt ở một số tỉnh miền Trung.

Tôi cho rằng việc làm này vừa là tri ân vừa là lời khẳng định cho sự tiếp nối thế hệ. Quá khứ được lấp đầy bởi tình yêu quê hương, sức sống và khát vọng hòa bình mãnh liệt của thế hệ cha anh.

Đó chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc để tuổi trẻ
Việt Nam hôm nay đưa đất nước hướng về tương lai phía trước, vì một đất nước độc lập giàu mạnh, vì một Việt Nam hòa bình, sẵn sàng, tự tin hội nhập quốc tế trong khát vọng dựng xây một thế giới hòa bình, ổn định.

Tấm lòng tuổi trẻ

Tính đến thời điểm hiện tại, các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ cả nước cùng chung tay và vận động các nguồn lực xã hội để thực hiện nhiều hoạt động dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Trong đó, đã trao hơn 4.900 phần quà tặng các Bà mẹ
Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, cựu thanh niên xung phong, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đã có 76 căn nhà được sửa, xây 51 nhà tình nghĩa tặng các Bà mẹ
Việt Nam anh hùng, thanh niên xung phong, gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ với tổng trị giá gần 3,5 tỉ đồng. Ngoài ra còn có các đoàn tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc, tư vấn sức khỏe cho gần 27.500 người là thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng...


Truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh, đài truyền hình

Chương trình nghệ thuật “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình” số 5, chủ đề Khát vọng hòa bình do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức, sẽ bắt đầu từ 18h ngày 20/7 tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Quảng Trị.

Chương trình do Công ty Viet Vision sản xuất, cùng sự đồng hành của Tập đoàn Novaland, được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Quảng Trị; kênh ĐN2 của Đài PT-TH Đồng Nai; kênh HTV1 - Đài truyền hình TP.HCM; trên tuoitre.vn và tv.tuoitre.vn, thanhnien.vn; phát sóng lại trên kênh VTV6 - Đài truyền hình Việt Nam.