Thanh niên xung phong quên mình vì Tổ quốc

17:03 27/04/2015     1461

Công tác giáo dục   Theo tiếng gọi của phong trào "5 xung phong", lớp lớp tuổi trẻ miền nam đã hăng hái tham gia lực lượng thanh niên xung phong giải phóng miền nam (LLTNXPGPMN). Với ý chí chiến đấu quật cường, tinh thần hy sinh cao cả, những người con tuổi mười tám, đôi mươi đã xung phong vào các chiến trường. Những đóng góp to lớn đó đã góp phần giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà.
Năm 1963, ở miền bắc, T.Ư Đoàn Thanh niên Lao động phát động phong trào "3 sẵn sàng", thì ở miền nam ngày 26-3-1965, Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam phát động phong trào "5 xung phong" chống Mỹ, cứu nước. Khẩu hiệu của phong trào "5 xung phong" đã hiệu triệu đông đảo nam nữ thanh niên từ núi rừng, đồng bằng, đô thị đến những Việt kiều Cam-pu-chia tình nguyện, xung kích tham gia LLTNXP phục vụ chiến đấu.

Chỉ trong vòng ba năm, từ đơn vị TNXP tập trung không thời hạn đầu tiên mang phiên hiệu C100 được thành lập vào tháng 6-1965, với lực lượng là 108 đoàn viên, thanh niên của các cơ quan T.Ư Cục Miền Nam phục vụ cho chiến dịch Phước Long - Sông Bé; đến chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, các địa phương từ Bình Thuận đến Cà Mau đã phát triển được 4,5 vạn TNXP (gồm một vạn TNXP tập trung, 3,5 vạn TNXP cơ sở) và hình thành được ba lực lượng: miền, khu (tỉnh) và huyện, xã.
Lực lượng thanh niên xung phong miền nam bốc dỡ hàng hóa, đạn dược phục vụ chiến đấu. Ảnh tư liệu
Lực lượng thanh niên xung phong miền nam bốc dỡ hàng hóa, đạn dược phục vụ chiến đấu. Ảnh tư liệu


LLTNXP tập trung làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch, trận đánh, tiếp đạn cho trận địa, chuyển thương binh, tử sĩ ra tuyến sau và trực tiếp chiến đấu bảo vệ thương binh, kho tàng, tuyến đường, đơn vị. Lực lượng này đóng vai trò cơ động dã chiến, đi trước về sau, thường lấy đêm làm ngày, với phương tiện là đôi chân, đôi vai hoạt động ở các chiến trường ác liệt, nhiều khó khăn, gian khổ.

Đối với nhiệm vụ của LLTNXP cơ sở (tại chỗ) là làm nòng cốt xung kích bám trụ xây dựng làng, xã chiến đấu và sản xuất nông nghiệp trong các vùng giải phóng, huy động dân công phục vụ tiền tuyến. TNXP cơ sở thường đối mặt kẻ thù, tù đày nhưng vẫn âm thầm, bí mật tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, bảo vệ cán bộ... Và đã làm nên những chiến công thầm lặng, tự hào.

Nguyên Bí thư T.Ư Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam Phan Minh Tánh cho biết, từ mô hình TNXP phục vụ có thời hạn, TNXP vận chuyển vũ khí, đưa cán bộ lãnh đạo đi công tác..., thanh niên ở các khu, đồn, nhất là Khu 8, Khu 9 đến T.Ư Cục, địa phương nào cũng lập đội TNXP..., tất cả tạo nên sức mạnh tổng hợp ở khắp các chiến trường. Nhiệm vụ nặng nề mà TNXP được giao là vận chuyển vũ khí hạng nặng đường dài từ Trường Sơn, cảng Hải Phòng... phục vụ chiến trường. Có thời điểm, lực lượng TNXP đóng góp nhân lực phục vụ các chiến trường Khu 8, Khu 9 và các sư đoàn chủ lực 5, 7, 9 lên đến gần bốn nghìn người, phần lớn là nữ.

Và trong 10 năm bám trụ phục vụ các trung đoàn, sư đoàn chủ lực, LLTNXP đã góp công bẻ gãy, đánh bại các cuộc phản kích mùa khô năm 1965-1966 và 1966-1967, mà nổi bật là đánh bại cuộc hành quân Giăng-xơn Xi-ti với 45 nghìn lính Mỹ-ngụy tiến vào bắc Tây Ninh để tìm diệt các cơ quan đầu não của cách mạng miền nam và quân chủ lực. Ở cực Nam Trung Bộ có tuyến vận tải từ biên giới Campu-chia đến Bình Thuận, Đoàn vận tải TNXP H50 đã gần 10 năm gắn bó, phục vụ tuyến đường, nơi có chiến trường "muối trường kỳ, củ mì chiến lược". Còn ở miền Tây Nam Bộ có tuyến đường "1C huyền thoại", nơi "sắt thép đã chảy tan ra nhưng con người đã đi qua được".

Nguyên Tổng Đội trưởng TNXP giải phóng miền nam Trần Văn Mãnh (Trần Văn), nhớ lại: Ngày đó, hoạt động ở chiến trường bom đạn ác liệt; thiếu thốn trăm bề, hay mắc bệnh tật, nhưng những TNXP tuổi mười tám, đôi mươi vẫn cố gắng vượt qua gian khó, luôn xác định "không tiền tuyến, không hậu phương, đâu Đảng cần đó là tiền tuyến". Và tinh thần, sự cống hiến, hy sinh đó đã được gắn với biệt danh rất đỗi tự hào "Đội quân chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên".

Nhà báo Ô-xtrây-li-a nổi tiếng Oai-phơ-rét đã nói về LLTNXP ngày đó: Ở chiến trường họ hăng hái chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vận chuyển vũ khí, đi săn bắt..., trên mặt họ không hề biểu hiện sự mệt mỏi mà trái lại luôn thể hiện sự lạc quan, ý chí kiên cường. Và chính họ đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của Việt Nam.

Với những thành tích, hy sinh cống hiến đó, LLTNXPGPMN đã được Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tặng 12 chữ vàng truyền thống: "Phục vụ quên mình - Anh dũng xung phong - Lập công vẻ vang"; được tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng nhất và nhiều huân huy chương các loại. Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng cho tám tập thể, 14 liệt sĩ danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, LLTNXPGPMN trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cán bộ, đội viên trưởng thành từ "trường học lớn TNXP" đã được Đảng và nhân dân tín nhiệm, giao nhiều trọng trách trong đội ngũ lãnh đạo Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang...
Trong 10 năm tham gia kháng chiến, trực tiếp chiến đấu hơn 100 trận; phục vụ hơn 600 trận; vận chuyển hơn 200 nghìn tấn vũ khí, lương thực; nuôi dưỡng, bảo vệ hơn 2.500 cán bộ chiến sĩ bị thương... đã có nhiều TNXP anh dũng hy sinh. Tiêu biểu có nữ Liệt sĩ Đoàn Thị Liên (quê Bình Dương) lấy thân mình bảo vệ thương binh trong trận đánh Cần Lê (đường 13); nữ Liệt sĩ Hoàng Anh (quê Long An) dù bị giặc Mỹ bao vây, đồng đội thương vong nhưng một mình vẫn kiên cường dùng quả lựu đạn cuối cùng chống trả, tiêu diệt địch; Liệt sĩ Lê Hùng Minh (Đội 198 Thành Đồng) dù bị thương nhưng vẫn anh dũng dùng B40 bắn cháy xe tăng của Mỹ, bảo vệ đơn vị bộ đội.