Tâm tình trí thức trẻ lên non

14:50 31/10/2014     2319

Công tác giáo dục   Với nhiệt huyết, tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám dấn thân về những vùng khó, 8 tri thức trẻ đã về làm phó chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Sau gần 2 năm gắn bó với vùng cao, các trí thức trẻ này đã dần khẳng định được mình và được bà con tin yêu.
Nguyễn Thị Thu Lan, quê ở xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, nhưng đã bỏ công việc kinh doanh đang thuận lợi của mình làm Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, phụ trách nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi.

Cô tâm sự: “Xã Tam Thanh có 65% là đồng bào Mường và 4% người dân tộc Dao sinh sống, nên bất đồng ngôn ngữ là một trở ngại lớn. Để bà con tin, làm theo hướng dẫn của mình không phải dễ. Mặc dù cũng đã được tập huấn nhưng với vốn ngôn ngữ của đồng bào còn hạn chế nên mình gặp rất nhiều khó khăn”. Tuy vậy, nữ phó chủ tịch xã vẫn không hề chùn bước. Mỗi tối, chồng Lan trông con để vợ đèn sách, học thêm tiếng dân tộc, nghiên cứu phong tục và xây dựng các đề án để giúp bà con bớt nghèo.

a
Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thái Sơn đang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc thỏ cho đồng bào.

Gần 2 năm gắn bó, với bao cố gắng, nỗ lực và đặc biệt tấm lòng dành cho đồng bào vùng cao đã giúp Lan có động lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến nay, từng ngọn núi, từng hộ dân trong xã được Lan nắm chắc như người bản địa. “Tôi rất vui khi đã vận động được bà con triển khai mô hình xây dựng hầm biogas bằng nhựa composite trong chăn nuôi đại gia súc cho 55 hộ dân trong xã. Hiện nay, tôi cùng các đồng nghiệp tập trung triển khai 4 đề án: Phát triển cây lương thực, cây vụ đông, phát triển thủy sản và phục vụ du lịch giai đoạn 2011- 2016”, Lan chia sẻ.

Còn bạn trẻ Nguyễn Thái Sơn thì rất đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I, có nhiều cơ hội làm việc tại thành phố, nhưng Sơn đã từ chối mọi cơ hội để về xây dựng quê hương. Sinh ra và lớn lên tại xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, nên hơn ai hết Sơn hiểu được cuộc sống của bà con nơi đây. Từ khi còn là sinh viên Sơn đã luôn mong được góp chút sức nhỏ giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Bởi vậy, Sơn rất vui khi thi đỗ và được phân công nhiệm vụ tại xã Long Cốc.

Nguyễn Thái Sơn cho biết: “Toàn xã Long Cốc có 806 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm 26,67%, tỷ lệ dân tộc Mường chiếm 93,3%. Tập quán sản xuất của bà con bao đời nay vẫn chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nên nghèo đói vẫn đeo đẳng”. Ngoài việc vận động đồng bào làm hầm biogas, xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thái Sơn đã thí điểm mô hình nuôi thỏ mới tại 16 hộ trong xã với 64 con thỏ. UBND xã Long Cốc hỗ trợ các gia đình nuôi giống, cám thỏ, thuốc thú y, van uống nước tự động. Ông Hà Minh Đô, xóm 2, xã Long Cốc, cho biết: “Tôi thấy việc chăm sóc và nuôi thỏ khá đơn giản. Lại được cán bộ xã hướng dẫn và tập huấn kỹ thuật nên 4 con thỏ nhà tôi đang lớn rất nhanh. Có gặp khó khăn gì, tôi đều hỏi cán bộ Sơn và được hướng dẫn giải đáp rất nhiệt tình”.

Phùng Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch xã Thạch Kiệt cũng chia sẻ: “Phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con thì bà con mới tin và làm theo mình”. Với cách nghĩ, cách làm ấy, mặc dùng đang “bụng mang dạ chửa” nhưng Hà vẫn nhiệt tình, hướng dẫn bà con chăm sóc bí đỏ. Đây là mô hình được Hà vận động, hướng dẫn triển khai cho bà con trong xã.

Chủ tịch UBND xã Thạch Kiệt, Đinh Trọng Cảnh khẳng định: “Xã Thạch Kiệt có hơn 1.000 hộ dân chủ yếu là người Mường, đường sá đi lại khó khăn, dân bản thiếu vốn sản xuất và không được tiếp cận với kỹ thuật canh tác mới. Từ ngày đồng chí Phùng Thị Hà về nhận công tác đã sát sao, hướng dẫn và vận động bà con tham gia mô hình trồng bí đỏ. Sau hai năm triển khai, với tổng diện tích mô hình 2 ha bước đầu đã cho kết quả rất khả quan. Sản lượng bí cho thu hoạch khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/sào/vụ. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc cây, người dân tỉa ngọn, hoa, lá bí bán tại các chợ quanh vùng để có thêm thu nhập”.

Ông Bùi Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: “8 tri thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại huyện Tân Sơn đã tích cực tham gia và phát huy được vai trò của mình trong công tác tham mưu cho chính quyền địa phương. Từ đó, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn. Chúng tôi đã kiến nghị dự án cần tổ chức các buổi đi tham quan những mô hình, cách làm hay để các tri thức trẻ trong dự án được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về áp dụng tại địa phương công tác”.