Sức trẻ nơi địa đầu Tổ quốc

10:07 24/02/2015     866

Công tác giáo dục   Tỉnh Đoàn Hà Giang thành lập 40 Ðội Thanh niên xung kích vì an ninh Tổ quốc gắn phát triển kinh tế (Ðội TNXK) với hơn 400 thanh niên tham gia. Ðây là lực lượng "nòng cốt" để phát huy vai trò của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại tỉnh vùng cao cực bắc đất nước.
Những bước chân xung kích

Ngày cuối đông trên miền biên giới, bảy giờ sáng, sương sớm chưa tan, các bạn trẻ trong Ðội TNXK xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên cùng chiến sĩ Ðồn Biên phòng Thanh Thủy bắt đầu ngược dốc đi tuần tra đường biên, mốc giới theo chương trình phối hợp. Nhiệm vụ tuần tra đã được lên kế hoạch, từ cột mốc 265 đến cột mốc 268. Ðường tuần tra nhỏ hẹp, độ dốc lớn, đi qua nhiều vùng đất chưa sạch "vật cản" sau chiến tranh biên giới nên trong hành trình, cả đội tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của các chiến sĩ biên phòng.
 Ðội thanh niên xung kích xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên phát quang cây cỏ quanh khu vực cột mốc 267.
Ðội thanh niên xung kích xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên phát quang cây cỏ quanh khu vực cột mốc 267


Chuyến tuần tra này, đội cử năm thành viên tham gia, trong đó có bốn thành viên nữ tuổi đời còn rất trẻ. Ðường tuần tra khó khăn, nguy hiểm, nhưng các bạn trẻ hăng hái tiến về phía trước, phát quang cây cỏ, dây leo chắn lối đi. "Lần đầu tiên tham gia tuần tra biên giới, biết là khó khăn nhưng em muốn đi để hiểu nỗi vất vả trong công việc hằng ngày của các anh biên phòng, của các đồng chí dân quân xã", Ðinh Thị Hồng, đoàn viên thôn Giang Nam chia sẻ. Là trí thức trẻ mới về xã Thanh Thủy công tác gần một năm, Ðào Thị Hồng tham gia tuần tra đường biên, mốc giới lần này là lần thứ hai. Hồng tâm sự: "Chuyến này em đi trọn vẹn 13 cột mốc trên tuyến biên giới dài gần 10 km ở xã Thanh Thủy. Leo dốc, vượt đá tai mèo về đau chân mất mấy ngày, nhưng đến mỗi cột mốc, em thấy tự hào, cuộc sống có ý nghĩa hơn vì mình đã góp sức bảo vệ quê hương".

Với phương châm "đi xa về gần", sau ba tiếng đồng hồ băng qua trảng cỏ, vượt rừng cây giang, rừng già, đoàn đã lên đến cột mốc xa nhất, mốc 268 ở độ cao hơn 1.000 m. Sau lễ chào cờ cột mốc biên cương, các bạn trẻ ai cũng thấm mệt nhưng mỗi người một việc, quét dọn, phát quang cây cỏ khu vực quanh mốc. Làm cho nhanh để rút dần xuống mốc 267, 266, 265 trước lúc mặt trời lặn. Kết thúc chuyến tuần tra, Thiếu úy Nguyễn Huy Bình, Ðội trưởng Ðội Vũ trang Ðồn Biên phòng Thanh Thủy chia sẻ: "So với nhiều xã biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đường biên ở xã Thanh Thủy khó khăn, phức tạp hơn bởi phải qua những đỉnh núi cao, nhiều đạn pháo, bom mìn sót lại sau chiến tranh. Có các bạn đoàn viên trong Ðội TNXK xã cùng tuần tra như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Bí thư Ðoàn xã Thanh Thủy Ðỗ Thị Huyền cho biết: "Ðội TNXK xã được thành lập từ tháng 7 năm ngoái với 12 đoàn viên tham gia. Mỗi thành viên đều có hoàn cảnh, công việc khác nhau nhưng các bạn rất nhiệt tình, hăng say tham gia các hoạt động được tổ chức thường xuyên như: phối hợp tuần tra đường biên, mốc giới; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; tham gia bảo vệ trật tự trị an, phòng, chống cháy rừng, bão lũ".

Không chỉ ở Thanh Thủy, giữa năm 2014, Tỉnh Ðoàn Hà Giang thành lập 40 Ðội TNXK ở 34 xã biên giới và một số xã nội địa trọng điểm với hơn 400 thanh niên tham gia. Nhằm giúp các thành viên trong các Ðội TNXK nắm được kiến thức cơ bản trong chương trình hoạt động, Tỉnh Ðoàn Hà Giang phối hợp với các cơ quan tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền pháp luật, ngăn chặn việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, các hủ tục lạc hậu; nghiệp vụ phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; giáo dục cảm hóa thanh niên chậm tiến; kỹ năng tuần tra biên giới, võ thuật và xử lý tình huống phát sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ...

Ðến nay, các đội phối hợp lực lượng chức năng tổ chức hơn 200 buổi tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới; thực hiện hàng trăm buổi tuyên truyền pháp luật và vận động nhân dân xóa bỏ việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, hủ tục lạc hậu, góp phần giữ vững an ninh trên tuyến biên giới Hà Giang dài hơn 277 km.

Ði đầu làm mô hình kinh tế kiểu mẫu

Anh Phạm Văn Chiến, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh Ðoàn cho biết: "Tham gia Ðội TNXK đa phần là thanh niên nông thôn. Xác định, kinh tế có ổn định các thành viên mới toàn tâm, toàn ý tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc, do đó, việc hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các thành viên xây dựng mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo được Tỉnh Ðoàn quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức".

Thành viên các Ðội TNXK tự bàn bạc, thống nhất xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Có đội xây dựng mô hình kinh tế theo hình thức tổ hợp tác cùng sản xuất, cùng chăm sóc, cùng tìm đầu ra cho sản phẩm trong sản xuất chế biến nông sản như chè, đậu tương, thảo quả... Nhiều đội lựa chọn hình thức phát triển chăn nuôi luân chuyển... Ðoàn các cấp hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện cho các đội vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cây, con giống, phân bón... Ðồng thời vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, con giống. Bảo đảm mỗi đội xây dựng mô hình phát triển kinh tế với vốn ít nhất 50 triệu đồng. Ðến nay, Tỉnh Ðoàn đã kêu gọi hỗ trợ cho các đội được gần 100 con bò, dê và hàng trăm triệu đồng.

Ðội TNXK xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) có hơn 20 thành viên, trong đó có rất nhiều thành viên thuộc diện hộ nghèo, thiếu tư liệu sản xuất. Tỉnh Ðoàn Hà Giang kết nối với Ðoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho mỗi thành viên một con bò, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ. Thành viên Giàng Mí Sá, thôn Dìn Phán Sán nói: "Mình rất vui vì được hỗ trợ bò giống và cảm thấy tự tin phát triển kinh tế để sớm thoát nghèo, đồng thời tham gia tích cực hơn hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc". Ðội TNXK xã Xín Cái cũng được hỗ trợ 10 con dê giống, Ðội thống nhất giao cho thành viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất để chăn nuôi theo hình thức "nuôi luân chuyển". Qua một vài năm, dê sinh sản, sẽ trả lại con giống cho Ðội để chuyển cho thành viên khác nuôi...

Hiện tại, hầu hết các Ðội TNXK ở Hà Giang đã xây dựng được mô hình kinh tế. Mục tiêu hướng tới của họ là những mô hình kinh tế không chỉ giúp các thành viên trong Ðội TNXK ổn định cuộc sống mà trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế tại chỗ cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn học tập, làm theo, góp phần thúc đẩy công tác đoàn và phong trào thanh niên có bước phát triển mới. Tham gia bảo vệ an ninh trật tự gắn với việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giúp bản thân và gia đình tăng thêm thu nhập, thanh niên đã thấy được việc tham gia vào các đội, ngoài nghĩa vụ với Tổ quốc còn được hưởng những quyền lợi nhất định, từ đó duy trì hoạt động xung kích bảo vệ an ninh trật tự bền vững, hiệu quả.