Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế

07:35 23/08/2017     3765

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI và có thêm thông tin, cơ sở lý luận, thực tiễn góp ý cho việc triển khai các mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Sáng ngày 22.8 tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2022”.

Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực TƯ Đoàn; đại diện Ban Thường vụ các tỉnh, thành đoàn Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai…
000
Hội thảo chuyên đề “Giải pháp xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2022”.

Trong thời gian qua, đã có nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh được xây dựng và phát triển như mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; tổng đội thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế; làng thanh niên lập nghiệp; đảo thanh niên; trang trẻ trẻ… Trong từng giai đoạn lịch sử, những mô hình này đã có đóng góp nhất định, phần nào đáp ứng được nguyện vọng lập thân, lập nghiệp của thanh niên và sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Hiện nay, việc xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn có những điểm thuận lợi xuất phát từ sự quan tâm của Đảng Nhà nước về vấn đề thanh niên tham gia phát triển kinh tế…Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn đặt ra cho tổ chức Đoàn trong việc xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế như khả năng lựa chọn, định hướng tạo dựng mô hình của tổ chức Đoàn; trình độ, năng lực của cán bộ đoàn trong việc tiếp cận và triển khai các mục tiêu của mô hình phát triển kinh tế; phong tục, tập quán của địa phương; khả năng, trình độ của thanh niên; vấn đề nguồn lực đầu tư, vốn, kỹ thuật sản xuất, khoa học công nghệ…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực TƯ Đoàn phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực TƯ Đoàn đề nghị đại biểu tích cực tham gia đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận và làm rõ về vấn đề quan điểm, cách hiểu về mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh? thực trạng mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn hiện nay? Ưu điểm, hạn chế? Những mô hình phù hợp cần tập trung đầu tư trong thời gian tới? Đồng thời mong muốn các đại biểu đề xuất, kiến nghị cụ thể về mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn trong giai đoạn 2017 - 2022? Giải pháp cơ bản cho từng mô hình là gì?

Phát triển mô hình gắn với tình hình cụ thể tại địa phương

Vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế đã được chứng minh cả lý luận và trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thời gian qua, nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn đã có đóng góp nhất định, góp phần đáp ứng nguyện vọng lập thân, lập nghiệp của thanh niên và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, nhiều mô hình kinh tế của thanh niên còn thiếu tính bền vững mà một trong những nguyên nhân chính là phát triển mô hình không gắn với tình hình cụ thể tại địa phương.

Phó Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Ninh, Hoàng Văn Hải chia sẻ, mô hình thanh niên phát triển kinh tế hiện nay rất nhiều, nhưng tính bền vững của các mô hình chưa cao. Như Quảng Ninh hiện nay có 3 mô hình đang làm thủ tục giải thể. Vì thế, việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế cần phù hợp với quy hoạch của từng địa phương. Tổ chức Đoàn cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xây dựng mô hình và sản phẩm đầu ra phù hợp.
0
Phó Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Ninh, Hoàng Văn Hải

Với trên 1.000 mô hình thanh niên phát triển kinh tế làm lợi hơn 60 tỷ đồng, các mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Lào Cai đã góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho thanh niên, thu hút tập hợp thanh niên, nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh tại địa phương.

Đồng chí Hà Đức Minh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai cho biết:Trong thời gian gần đây, Startup – Khởi nghiệp là một trong những cụm từ được nhắc nhiều nhất trong thanh niên. Trở thành doanh nhân đang là ước muốn của phần lớn bạn trẻ Lào Cai và cả nước nói chung. Từ thực tiễn đó cho thấy nhu cầu làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên là rất lớn vì vậy việc tư vấn hỗ trợ thanh niên làm kinh tế và lập nghiệp là hết sức cần thiết…Từ thực tế tại địa phương, Đồng chí Hà Đức Minh cho rằng, các mô hình kinh tế thành công thường là các mô hình gắn với chính sách, quy hoạch của địa phương

Chia sẻ tại hội thảo, đồng chí Hồ Tấn Đạt, đại diện Thành đoàn TP HCM cho biết, nhận thấy khởi nghiệp là một phần quan trọng và là lợi thế của thanh niên Thành phố, Thành Đoàn và Hội LHTN TP HCM đã có nhiều sáng kiến, giải pháp cụ thể để đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, xây dựng các mô hình thanh niên khởi nghiệp. Từ đó, TP HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong khởi nghiệp thanh niên như: Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp trở thành mô hình mẫu trong cả nước; Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp có nguồn vốn 100 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho hơn 800 mô hình khởi nghiệp; Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo có quy mô 100 tỷ đồng; Vườn ươm doanh nghiệp quy tụ hơn 180 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp;…

Nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn trong xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Nguyễn Ngọc Việt cho rằng, từ thực tế giải cứu nông sản như hành tím, gừng, dưa hấu… trong thời gian qua đặt ra những vấn đề về vai trò của tổ chức Đoàn trong hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Việc tư vấn, hỗ trợ, hình thành chuỗi liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm… rất cần tổ chức Đoàn đóng vai trò tích cực hơn trong thời gian tới.

Theo đồng chí Việt, trong nhiệm kỳ tới, khởi nghiệp sẽ là trọng tâm trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế và tổ chức Đoàn cần phát huy vai trò của mình trong xu thế đó. “Thời gian qua, chúng ta nói nhiều về khởi nghiệp, nhưng định hướng cho địa phương chưa rõ ràng, việc tuyên truyền cho thanh niên còn mờ nhạt… Vì thế, tổ chức Đoàn cần làm gì để toát lên vai trò của mình? Khởi nghiệp không thể chỉ làm phong trào, mà phải làm bền vững”, đồng chí Việt nói.

Đồng chí Hà Đức Minh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai cũng cho rằng, tổ chức Đoàn cần thể hiện vai trò rõ nét hơn trong hỗ trợ, đồng hành với thanh niên phát triển kinh tế. Ví dụ như Tỉnh Đoàn Lào Cai đang thí điểm áp dụng kỹ thuật bảo quản nông sản dưới sự hỗ trợ của các nhà khoa học hàng đầu, giúp người dân và đặc biệt là thanh niên làm kinh tế nông nghiệp tránh được tình trạng được mùa rớt giá, phải giải cứu nông sản..

Đồng chí Nguyễn Quốc Văn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn cho rằng, trong xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do thanh niên thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, sở hữu trí tuệ; thiếu vốn; chưa có trình độ quản trị và vận hành mô hình kinh tế; chưa biết làm công tác thị trường, thiếu thông tin tư vấn.. Thực tế này đòi hỏi tổ chức Đoàn không chỉ hỗ trợ vốn mà đặc biệt cần thực sự trở thành chuyên gia cho các mô hình kinh tế của thanh niên.

“Huyện Krong năng (tỉnh Đắk Lắk) có mô hình trồng rau thủy canh với giá thành 40.000 đồng/kg. Dù rau sạch nhưng không bán được do giá cao, không phù hợp với mức sống của nhân dân trong vùng. Điều này cho thấy thanh niên đã lựa công nghệ, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất chưa phù hợp và đây là vấn đề rất cần tổ chức Đoàn cần giúp cho thanh niên”, đồng chí Văn nêu ví dụ.

Đồng chí Nguyễn Việt Phát – Nguyên Trưởng Ban TNXP TƯ Đoàn cho rằng cần tập trung tổng kết, đánh giá các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên do Đoàn sáng tạo ra hoặc được tổ chức Đoàn hỗ trợ phát triển để nhận dạng các mô hình có hiệu quả và tính phổ biến cao, có nhiều khả năng tiếp tục phát triển và nhân rộng trong nhiệm kỳ tới.
0
Đồng chí Nguyễn Việt Phát – Nguyên Trưởng Ban TNXP TƯ Đoàn

Cũng theo đồng chí Nguyễn Việt Phát, tổ chức Đoàn cần quan tâm đến các mô hình phát triển kinh tế gắn với các chương trình mang tính quốc gia như xây dựng nông thôn mới, khởi nghiệp…

Theo TS Phan Trung Chính khẳng định, phong trào xung kích và đồng hành với thanh niên trong phát triển kinh tế hiện nay vẫn rất đúng và trúng. Tuy nhiên, để phát triển, nhân rộng các mô hình thì tổ chức Đoàn cần làm rõ tiêu chí của mô hình thanh niên phát triển kinh tế; ý nghĩa các mô hình tổ chức Đoàn đang muốn xây dựng; làm rõ vai trò và chức năng của Đoàn đối với mô hình hạt nhân (mô hình do tổ chức Đoàn xây dựng) và mô hình đồng hành (mô hình có sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn). Đối với mô hình hạt nhân thì tiếp tục đầu tư theo chiều sâu, còn mô hình Đoàn đồng hành thì đầu tư theo chiều rộng.
00
TS Phạm Trung Chính, Nguyên Trưởng Khoa quản lý kinh tế HV.Chính trị quốc gia HCM

TS Phạm Trung Chính, Nguyên Trưởng Khoa quản lý kinh tế HV.Chính trị quốc gia HCM cũng cho rằng, mô hình chỉ thích ứng với giai đoạn lịch sử nhất định, vì thế cần tổng kết, đánh giá các mô hình để có sự cải tiến, chuyển đổi và hình thành các mô hình mới cho phù hợp với giai đoạn mới.