Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ về đường lối

08:52 29/01/2018     891

Công tác giáo dục   Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 do nhiều nhân tố góp phần tạo nên, nhưng nhân tố đóng vai trò quyết định nhất là Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã biết phát huy tinh thần độc lập, tự chủ trong việc hoạch định đường lối lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến.

 Quân giải phóng, lực lượng biệt động, đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích Tổng tấn công Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Quân giải phóng, lực lượng biệt động, đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích Tổng tấn công Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Ngược dòng thời gian, từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, đồng thời sử dụng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam, chính thức chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Đây là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới chưa có tiền lệ trong lịch sử, đặt dân tộc Việt Nam đứng trước thử thách hết sức hiểm nghèo. Lúc này, tư tưởng “ sợ Mỹ” tương đối phổ biến trên thế giới. Nhiều bạn bè lo lắng cho cách mạng Việt Nam. Một số ý kiến còn tỏ ra quan ngại, sợ chiến tranh mở rộng, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát chiến tranh thế giới mới...

Trên cơ sở phân tích toàn diện, khoa học tình hình địch - ta cũng như bối cảnh khu vực, quốc tế có liên quan, Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị Trung ương lần thứ mười một (3-1965), đặc biệt là Hội nghị Trung ương lần thứ mười hai (12-1965), kịp thời hạ quyết tâm: Động viên lực lượng cả nước kiên quyết đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào. Để đối phó với sức mạnh vật chất khổng lồ của địch, Trung ương Đảng quyết định đưa chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện lên bước phát triển cao. Trên miền Bắc: Phát động phong trào toàn dân thực hiện tốt công tác phòng tránh, ổn định đời sống; toàn dân tích cực tham gia đánh máy bay, tàu chiến địch; toàn dân vừa chiến đấu, vừa sản xuất; toàn dân bảo đảm giao thông vận tải, chi viện tiền tuyến.

Trên chiến trường miền Nam: Thực hiện tư tưởng tiến công, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công địch bằng cả quân sự, chính trị, binh vận; đánh địch trên khắp ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị); tiến công kiên quyết, liên tục từ nhỏ bé, cục bộ lên to lớn, toàn bộ. Đây thực sự là chủ trương đúng đắn, sáng tạo phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ cách mạng mỗi miền và mục tiêu chung cách mạng cả nước, khẳng định sự độc lập, tự chủ của Việt Nam trong việc hoạch định đường lối kháng chiến. Nhờ đường lối đúng đắn, sáng tạo đó, quân và dân ta từng bước vượt qua khó khăn ban đầu, giữ vững thế chủ động trên chiến trường, từng bước đánh bại các cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của địch ở miền Nam, làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại của chúng ở miền Bắc.

Đến cuối năm 1967, Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng lún sâu vào bị động, khó khăn, rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về chiến lược. Phong trào phản chiến lên cao, nội bộ nước Mỹ chia rẽ trầm trọng. Một thất bại to lớn ở chiến trường sẽ tạo ra tác động lớn, buộc Chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận giải pháp đàm phán, thương lượng. Vấn đề chỉ đạo chiến lược cách mạng miền Nam lúc này có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, liên quan chặt chẽ đến việc tranh thủ, tận dụng thời cơ, ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện chiến tranh.

Vào thời điểm này, tình hình khu vực, quốc tế có những diễn biến rất phức tạp. Các nước lớn tuy luôn mâu thuẫn đấu tranh với nhau, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng hợp tác, thỏa hiệp với nhau vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Thêm vào đó, sự chia rẽ trong phong trào cộng sản quốc tế, nhất là mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc tác động rất tiêu cực đến phong trào cách mạng thế giới. Một số ý kiến khuyên ta tiếp tục duy trì mức độ đấu tranh như hiện tại, cho đến khi Mỹ không chịu đựng nổi sẽ buộc phải xuống thang, tìm cách đàm phán. Một số ý kiến khuyên ta nên đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh cho đến khi thắng lợi áp đảo về quân sự, kiên quyết không “đàm phán non”...

Trước bối cảnh phức tạp như vậy, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhiều lần họp bàn, khẳng định sự độc lập, tự chủ về đường lối kháng chiến. Bộ Chính trị nhận định: Trong điều kiện so sánh tương quan lực lượng, tiềm lực vật chất giữa ta và địch có sự chênh lệch rõ rệt, nếu ta dồn sức đánh theo phương thức tác chiến chính quy để tiêu diệt cơ bản lực lượng quân sự địch như trong kháng chiến chống Pháp là không thể.

Nhưng nếu cứ tổ chức đánh theo lối cũ (mở một số chiến dịch tập trung ở vùng rừng núi, kết hợp với chiến dịch tổng hợp ở nông thôn đồng bằng và phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị), thì cuộc chiến tranh vẫn “nhùng nhằng” kéo dài, không tạo ra bước chuyển biến căn bản và như thế sẽ bỏ lỡ mất thời cơ. Cần phải có hướng đi mới, tư duy quân sự mới nhằm phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân, thực hiện đòn đánh táo bạo, bất ngờ giáng mạnh vào ý chí xâm lược của địch, tạo bước ngoặt quyết định cho sự nghiệp kháng chiến.

Sau một quá trình nghiên cứu, thảo luận, Hội nghị Bộ Chính trị (12-1967) và Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ mười bốn (1-1968) quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam với những nội dung cơ bản: Hướng tiến công chủ yếu không phải là rừng núi, nông thôn như trước mà là hệ thống đô thị - nơi dễ nhạy cảm và tạo sức thôi động mạnh.

Mục tiêu tiến công chủ yếu: Nhằm thẳng vào các cơ quan đầu não, các trung tâm chỉ huy, hậu cứ của địch - chỗ hiểm yếu, dễ chấn động nhất. Phạm vi tiến công: Tiến hành tiến công và nổi dậy đồng loạt trên quy mô rộng lớn toàn miền Nam. Phương châm tác chiến: Kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng trên cả ba vùng chiến lược. Thời điểm diễn ra: Dịp Tết Nguyên đán - tạo bất ngờ lớn nhất. Tất cả đều hướng đến một mục tiêu: Giáng cho địch đòn tiến công sấm sét làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, xuống thang chiến tranh.

Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng đề ra, quân dân ta đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên phạm vi toàn miền Nam đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968 làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi vang dội này để lại cho cách mạng Việt Nam bài học sâu sắc về phát huy tinh thần độc lập, tự chủ.

Nhờ đó, chúng ta đã phát huy hết tài năng, trí tuệ con người Việt Nam; vừa tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bè bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, vừa tránh được những tác động tiêu cực từ bối cảnh quốc tế phức tạp; đồng thời giữ được bí mật chủ trương, kế hoạch hành động, tạo nên bất ngờ hoàn toàn cho phía Mỹ. Bài học về tinh thần độc lập, tự chủ từ chiến thắng năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị, được Đảng ta tiếp tục chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.