Ninh Bình: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, đồng chí Lương Văn Tụy và tuyên dương điển hình thanh niên tiên tiến

14:24 20/10/2014     1353

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Sáng 20.10, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo Ban Thường vụ huyện đoàn Nho Quan tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, đồng chí Lương Văn Tụy và tuyên dương điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ.

Đồng chí Đinh Thị Phương – TUV, UVBCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh trao vòng nguyệt quế, giấy khen cho thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
Đồng chí Đinh Thị Phương – TUV, UVBCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh trao vòng nguyệt quế, giấy khen cho thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác


Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Bí thư huyện đoàn Nho Quan Bùi Bích Thu đã ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng và đồng chí Lương Văn Tụy đồng thời nhấn mạnh: Tấm gương của các Anh là ngọn lửa soi đường, là động lực để lớp lớp thế hệ thanh niên vững tin đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Noi gương anh hùng Lý Tự Trọng, anh hùng Lương Văn Tụy mỗi đoàn viên, thanh niên cần thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh về chính trị, về tổ chức và về hành động, bồi đắp lý tưởng sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội và đất nước bằng nhiều phong trào, chương trình hành động thiết thực như: “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"; tham gia xây dựng nông thôn mới; phát triển các mô hình kinh tế, tham gia tình nguyện; xóa đói giảm nghèo; đảm bảo trật tự an toàn giao thông...

Nhân dịp này, Ban Thường vụ huyện đoàn Nho Quan đã tuyên dương 45 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Anh hùng Lý Tự Trọng

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng, sinh ngày 20.10.1914, sinh tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon (Thái Lan) nhưng có quê gốc ở xã Thạch Minh - nay là xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm, đều là những Việt kiều sống ở Nakhon - họ gốc của ông vốn là Lê Hữu, đến đời ông thì được đặt thành Lê Văn.

Năm 1923, chỉ mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, ông về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và làm liên lạc cho Xứ ủy Nam Kỳ với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 9.2.1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ Phan Bội Châu đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni. Tuy nhiên, sau đó ông đã bị bắt giam vào Khám Lớn và bị kết án tử hình ngày 20.11.1931 khi mới 17 tuổi.

Anh hùng Lương Văn Tụy

Lương Văn Tuỵ (1914-1932) người làng Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Là con của Lương Văn Thăng, một nhà cách mạng, nhà giáo, thầy thuốc và Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên ở Ninh Bình.

Năm 15 tuổi, Lương Văn Tụy đã bước vào hoạt động cách mạng. Năm 1929, anh được kết nạp vào một tổ chức thanh niên cộng sản ở Ninh Bình được gọi là Đội Võ trang tuyên truyền tỉnh Ninh Bình. Anh được giao nhiệm vụ làm liên lạc, in truyền đơn và các tài liệu bí mật.

Ngày 7/11/1929, chính quyền cách mạng quyết định cắm cờ búa liềm trên núi Non Nước để khích động tinh thần đấu tranh của quần chúng và kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga. Lương Văn Tụy đã nhận nhiệm vụ lịch sử này. Để đánh lừa quân địch, Tụy đã nhanh trí đeo thêm 2 quả lựu đạn giả vào chân cột cờ tạo mối khiếp sợ không dám đến gần.

Sau sự kiện cắm cờ Đảng, ngày 18 tháng 11 năm 1929, trong khi đang mang mang báo "Dân cày" số 2, có in bài tường thuật, kèm theo hình minh họa lá cờ bay trên đỉnh Dục Thúy đến phát ở Yên Mô, quân Pháp đã bắt anh đưa về nhà lao Ninh Bình giam giữ. Ngày 28 tháng 4 năm 1930, anh bị đưa ra xử ở toà thượng thẩm Hà Nội rồi bị đưa đi Côn Đảo. Năm 1932, theo chủ trương của Đảo uỷ, anh cùng một số đồng đội khác vượt biển về đất liền, bị gió to, tất cả đều hy sinh. Năm ấy anh vừa tròn 18 tuổi.