Hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư”

14:21 26/06/2013     3209

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Nhằm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư trong thời gian tới, sáng ngày 25-6, tại TP Hạ Long, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Bàn giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư”.
Đồng chí Hoàng Bá Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Hoàng Bá Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.
Đồng chí Hoàng Bá Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.

Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, trong những năm qua, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng sinh hoạt Đoàn và chất lượng đoàn viên, thanh niên đã có nhiều chuyển biến: nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn ở một số địa phương đã đổi mới và và từng bước đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của đoàn viên, thanh viên, công tác đoàn viên được chấn chỉnh, việc bồi dưỡng, phát triển đoàn viên mới được tăng cường, đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở được quan tâm kiện toàn theo hướng chuẩn hóa, trẻ hóa, hàng năm mở các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, các chế độ chính sách cho cán bộ Đoàn cấp cơ sở được quan tâm hơn.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, ở các chi đoàn nhất là chi đoàn trên địa bàn dân cư các nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động của Đoàn thiếu hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu của thanh niên. Có những cơ sở hoạt động cầm chừng, không đủ sức làm hạt nhân tập hợp đoàn kết thanh niên và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng tại cơ sở; chất lượng đoàn viên, tỷ lệ thu hút, tập hợp đoàn viên tham gia các hoạt động thấp…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư, đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng như tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả, hoạt động chi Đoàn; đổi mới phong cách làm việc của cán bộ Đoàn; giải pháp mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên trên địa bàn dân cư...
Đánh giá cao những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của đại biểu tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Bá Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh cho rằng các ý kiến phát biểu đã chỉ ra những thực trạng của tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư, nêu ra được các giải pháp hay nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư, thời gian tới cần chú trọng chăm lo cho đội ngũ cán bộ là Bí thư, Phó Bí thư Đoàn cơ sở, quan tâm hơn nữa đến công tác tập huấn và huấn luyện kỹ năng; xây dựng khu vực địa bàn dân cư là địa bàn quan trọng trong củng cố, nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở Đoàn; tổ chức các hoạt động gắn với địa bàn dân cư bằng nội dung phong phú hấp dẫn, sáng tạo để mở rộng đoàn kết tập hợp thanh niên; tăng cường bồi dưỡng đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho Đảng. Đồng thời, quản lý đoàn viên tại nhà trường chặt chẽ, trên cơ sở linh động nhưng phải đảm bảo nguyên tắc của Đoàn; lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn hướng theo mục tiêu “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Ninh sẽ lựa chọn các giải pháp hữu hiệu, thiết thực, từ đó thống nhất triển khai trong thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng sinh hoạt, hoạt động, chất lượng cán bộ, chất lượng đoàn viên, sức chiến đấu và năng lực tập hợp, giáo dục thanh niên ở cơ sở trên địa bàn dân cư.

MỘT SỐ Ý KIẾN, ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP:

1. Đ/c Vũ Phong Quang- Phó Bí thư Thành Đoàn Hạ Long: Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư là việc thiếu đoàn viên. Để khắc phục tình trạng này theo tôi cần phát huy hiệu quả của đoàn viên sinh hoạt chi đoàn tại nơi cư trú hay còn gọi là sinh hoạt đoàn 2 đầu mối. Hiện nay, Thành Đoàn Hạ Long đang chỉ đạo 100% Đoàn Thanh niên các phường trên địa bàn tổ chức rà soát, lập danh sách các đồng chí trong độ tuổi đoàn, đang sinh hoạt đoàn tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học cư trú tại các phường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập huấn cho 100% các Bí thư, Phó Bí thư chi đoàn khu phố về công tác triển khai, tổ chức cho đoàn viên sinh hoạt 2 đầu mối; phối hợp với các chi Đảng bộ tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học về việc chỉ đạo đoàn viên sinh hoạt nơi cư trú; ký Kế hoạch với ĐTN các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn: Đoàn khối các Cơ quan tỉnh, Than Quảng Ninh, Công an tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác tổ chức triển khai vấn đề trên. Song song với giải pháp này, chúng tôi đang triển khai, nhân rộng mô hình Bí thư chi đoàn luân phiên và Cán bộ Đoàn tập sự đã được triển khai hiệu quả trong thời gian vừa qua.  

2. Đ/c Nguyễn Sơn Hà- Bí thư Huyện Đoàn Hải Hà: Để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, theo tôi cần phải làm tốt công tác lựa chọn và đào tạo đồng chí Bí thư Chi đoàn khu phố thực sự trở thành thủ lĩnh thanh niên trên địa bàn dân cư; thứ hai là cần đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn; thứ ba là làm tốt công tác chăm lo đồng hành với thanh niên nhất là vấn đề việc làm; thứ tư là quan tâm xây dựng các câu lạc bộ sở thích phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, trên thực tế để làm được điều này rất cần cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn dân cư quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp với Đoàn Thanh niên triển khai tốt các giải pháp đặt ra.

3. Đ/c Phạm Ngọc Tuân- Q. Bí thư ĐTN Thị trấn Trới (Hoành Bồ): Nghị quyết về một số giải pháp để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Ninh xây dựng và ban hành trong thời điểm hiện nay là rất phù hợp. Tôi hy vọng trong thời gian tới khi Nghị quyết được đưa vào triển khai, những khó khăn về cơ chế, nội dung, hình thức hoạt động của chi đoàn trên địa bàn dân cư sẽ dần được tháo gỡ góp phần nâng cao chất lượng đoàn viên, chất lượng cán bộ Đoàn, từ đó nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư.

4. Đ/c Phạm Thành Dư- Bí thư Đoàn xã Hồng Phong (Đông Triều): Một trong những điểm mấu chốt ảnh hưởng tới chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư là sự biến động thường xuyên của cán bộ chi đoàn; năng lực, trình độ của đồng chí Bí thư chi đoàn, do vậy, thời gian tới chúng tôi hy vọng BTV Tỉnh Đoàn sẽ tham mưu với tỉnh cơ chế ưu tiên trong công tác đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ từ cấp chi đoàn.
5. Đ/c Trần A Tám- Bí thư Đoàn xã Húc Động (Bình Liêu): Tại một địa phương còn nhiều khó khăn như Bình Liêu thì đồng chí Bí thư chi đoàn trên địa bàn dân cư đóng vai trò nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng của tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư, do vậy việc lựa chọn, đào tào, bồi dưỡng Bí thư Đoàn trên địa bàn dân cư, đặc biệt là khu vực miền núi, khó khăn cần được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, việc lựa chọn đầu ra cho đội ngũ này giúp cho cán bộ Đoàn yên tâm công tác.

5. Đ/c Dương Thị Thu Hương- Bí thư Đoàn khu 1 (P. Bạch Đằng- TP Hạ Long): Vấn đề khai thác nguồn lực trong đó có nguồn lực con người và kinh phí hoạt động góp phần quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn trên địa bàn dân cư. Để khai thác có hiệu quả các nguồn lực trên rất cần sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cho công tác chỉ đạo, huy động nguồn lực từ nhân dân hỗ trợ cho hoạt động của thanh niên. Bên cạnh đó, việc vận động đoàn viên sinh hoạt 2 đầu mối và phát huy có hiệu quả đối tượng này sẽ là nguồn lực rất lớn cho hoạt động đoàn trên địa bàn dân cư. Để làm được điều đó, đồng chí Bí thư chi đoàn khu phố cần phải có đủ năng lực, uy tín để vận động các tổ chức chính tri, xã hội, nhân dân và đoàn viên, thanh niên đồng thuận, ủng hộ nhất trí về chủ trương và nguồn lực để thực hiện vấn đề trên.