Giai đoạn 1 Dự án 600 trí thức trẻ về 62 huyện nghèo: Xã nghèo đã bớt khó
16:14 03/06/2013 2843
Công tác giáo dục Web.ĐTN - Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết: Nhiều xã nghèo đã có chuyển biến tích cực nhờ sự nhiệt huyết, năng nổ của các tân Phó Chủ tịch xã mới được tăng cường về.
Tri thức trẻ trao đổi với người dân |
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả bước đầu thực hiện giai đoạn I Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo.
Từng bước xóa nghèo
Đã gần 2 năm kể từ khi có chủ trương đưa những người trẻ về những huyện nghèo nhất nước để làm đổi thay những vùng đất khó, ông Vũ Đăng Minh - người gắn bó với dự án 600 phó chủ tịch về xã nghèo cho biết: Qua sơ kết giai đoạn I (2011 - 2012) của nhiều địa phương có phó chủ tịch xã về tăng cường, nhìn chung các đồng chí lãnh đạo ở những địa phương này đều khẳng định: Các phó Chủ tịch trẻ năng động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, bước đầu mang lại những hiệu quả cho cơ sở, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Giàng Thị Dung cho biết: Tỉnh có 34 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND các xã nghèo, trong đó có 23 người địa phương. Những trí thức trẻ người địa phương tham gia dự án có khá nhiều thuận lợi đó là, họ hiểu được phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc, trong khi đó lại nhận được sự chỉ bảo tận tình của cấp ủy địa phương nên họ nhanh chóng hòa nhập môi trường làm việc và có những việc làm cụ thể giúp địa phương. Thậm chí, có đội viên còn vừa công tác, vừa học nâng cao, đề tài nghiên cứu luận văn áp dụng ngay tại địa phương mình công tác.
Khẳng định công đầu làm xã nghèo đổi thay, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) Hoàng Văn Chính cho biết: Từ khi Phó Chủ tịch xã Nguyễn Tiến Linh được tăng cường về xã, đồng chí đã có nhiều sáng kiến giúp bà con thoát nghèo. Chẳng hạn việc Phó Chủ tịch xã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đưa nước đến tận vùng núi cao nhất phục vụ sinh hoạt cho đồng bào Mông đã thể hiện tinh thần đương đầu với thử thách của những người trẻ tuổi. Không chỉ đưa nước lên những ngọn núi cao nhất của huyện Bảo Lâm, hiện xã Thái Sơn đã nhân rộng giống cây hồi trên toàn địa bàn nhờ đề án phát triển cây hồi của vị tân Phó Chủ tịch xã này.
"Không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng làm những công việc mà nhiều cán bộ lâu năm không dám làm, đó là tinh thần của những đội viên dự án 600 trí thức trẻ về huyện nghèo” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng Nguyễn Danh Phương khẳng định. Theo ông Phương, trong số 44 Phó Chủ tịch được tăng cường về xã không ít người được lựa chọn địa bàn về công tác và họ đã tình nguyện chọn xã khó nhất để thực hiện hoài bão vực dậy đất khó của mình. Việc tân Phó Chủ tịch xã Yên Thổ (huyện Bảo Lâm) Hà Văn Quảng ăn ngủ cùng đồng bào đuổi cái khó cũng như có nhiều quyết định về giống cây trồng, vật nuôi áp dụng ở vùng đất khó đã chứng tỏ sức nóng của tuổi trẻ.
Khẳng định vai trò của các trí thức trẻ, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Nông Việt Yên cho biết: Các trí thức trẻ đã tích cực cùng với đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương tham gia trồng 130ha cây sơn tra ở huyện Trạm Tấu; vận động nhân dân chuyển đổi trồng lúa, sắn trên đất bạc màu sang trồng hơn 22ha ngô lai ở xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã chứng tỏ chủ trương đưa người trẻ có kiến thức, có nhiệt huyết về các xã nghèo nhất nước để giúp bà con thoát nghèo là hoàn toàn đúng đắn.
Còn nhiều thách thức
Dù có nhiều đóng góp không nhỏ giúp đẩy lùi cái khó ở những huyện nghèo nhưng hiện nhiều tân Phó Chủ tịch xã cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bí thư Tỉnh đoàn Cao Bằng Bế Minh Đức cho biết: Tỉnh Cao Bằng có 44 đội viên nhưng đến nay họ vẫn chưa có nhà ở công vụ, nhiều người phải dùng nơi làm việc để ngủ, nghỉ. Đặc biệt, đa số trí thức trẻ vẫn nhận lương ở Phòng Nội vụ các huyện trong khi đường sá miền núi đi lại rất khó khăn, vì vậy, nhiều Phó Chủ tịch khi tiện ra họp ở huyện thì mới lĩnh lương.
Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định Nguyễn Thanh Bình cũng kiến nghị: Kết thúc đợt đi thực tế 3 tháng của các đội viên, nhiều đề án của trí thức trẻ được Hội đồng tuyển chọn đánh giá rất cao. Tuy nhiên, khi triển khai ở cơ sở, bà con không ủng hộ, do tư duy sản xuất cũ. Bởi vậy, cần tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con gắn với đề án của trí thức trẻ thì sẽ hiệu quả hơn.
Tweet