Đối thoại với cán bộ, đoàn viên, học sinh, sinh viên về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2015

08:46 21/01/2015     1180

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Nhằm cung cấp cho đoàn viên, thanh niên những kiến thức, nội dung cần thiết, bổ ích về những vấn đề cơ bản của Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT), vừa qua, Trung ương Đoàn phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức 02 chương trình đối thoại với cán bộ, đoàn viên, học sinh, sinh viên tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long về Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế - năm 2015.
Tại buổi đối thoại, cán bộ, đoàn viên, học sinh, sinh viên được các diễn giả là lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Đồng Tháp, Vĩnh Long, trường Đại học Đồng Tháp, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) trao đổi các vấn đề xung quanh lĩnh vực BHXH, BHYT như: Luật BHXH sửa đổi năm 2014; Luật BHYT sửa đổi năm 2014; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020. Các đại biểu tham dự đối thoại cũng trao đổi, chia sẻ các giải pháp của Đoàn khi tham gia thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trên phạm vi cả nước có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia BHYT, theo đó thực hiện BHXH cho mọi người lao động và tiến tới BHYT toàn dân.
5
ĐVTN tranh luận sôi nổi trong chương trình

Chương trình còn có thêm phần thi đố vui có thưởng tìm hiểu kiến thức về BHXH, BHYT được đoàn viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia, bình chọn các câu hỏi đặc sắc nhất trong chương trình đã tạo không khí sôi nổi cho chương trình.
Được biết, đây là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp hằng năm giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tuyên truyền BHXH, BHYT cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhằm góp phần tuyên truyền, cung cấp cho ĐVTN, sinh viên những kiến thức cần thiết về BHXH, BHYT; giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp về kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền về BHXH, BHYT học sinh và khả năng xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch hành động hiệu quả ở cấp mình.
Cấu trúc của hệ thống ASXH ở nước ta gồm 3 trụ cột: BHXH (bao gồm cả BHYT, bảo hiểm thất nghiệp); ưu đãi xã hội; bảo trợ xã hội (gồm trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội). Xét về thực chất, 3 trụ cột này nhằm thể hiện 3 chức năng: phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến ASXH là quá trình toàn cầu hóa, vấn đề thất nghiệp và nghèo đói, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tham nhũng, chiến tranh, khủng bố, bất bình đẳng xã hội,...

Tính trụ cột của BHXH, BHYT trong hệ thống ASXH thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tạo được sự đoàn kết, tương thân, tương ái mang tính cộng đồng, chia sẻ rủi ro, giúp đỡ nhau vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn do đau ốm hoặc tuổi già, tai nạn, thất nghiệp... Các chế độ BHXH, BHYT có diện bao phủ rộng khắp, tạo thành tấm lưới che chắn vững chắc bảo vệ cuộc sống, sức khỏe cho mọi người, từ lúc chưa sinh ra (chế độ thai sản); tuổi ấu thơ, niên thiếu, trưởng thành (BHYT trẻ dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên); cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (BHYT và các chế độ ngắn hạn của BHXH như ốm đau, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); tuổi già (chế độ bảo hiểm hưu trí); mất đi (tử tuất); bảo vệ chăm sóc sức khỏe các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương (BHYT người nghèo, cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người cao tuổi...). Thực hiện được mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân thì hệ thống ASXH quốc gia ngày càng vững mạnh, giảm bớt gánh nặng chi từ nguồn ngân sách nhà nước, giúp Nhà nước tập trung nguồn lực thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.