Bình Định: Sơ kết giai đoạn I Dự án 600 Phó Chủ tịch xã

09:26 04/06/2013     3869

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Tại Hội nghị, UBND tỉnh đã biểu dương 3 các nhân đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian qua; trao 20 suất quà cho 20 đội viên nhằm cổ vũ, động viên các đội viên dự án tiếp tục công tác tốt trong thời gian tới.
Sáng ngày 31/5, tại Sở Nội vụ, tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Sơ kết giai đoạn I Dự án 600 Phó Chủ tịch xã.

Tham dự Hội nghị còn có các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án 600 PCT xã, các đồng chí là Lãnh đạo các Sở, ngành, lãnh đạo các địa phương từ cấp huyện đến cấp xã thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án và 20 đội viên Dự án.

Hội nghị đã đánh giá kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc sau gần hai năm triển khai thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo (hay còn gọi là Dự án 600 PCT xã) được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011; đồng thời thảo luận, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, những nội dung công việc cần triển khai nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả giai đoạn tiếp theo của Dự án.

a
Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các đội viên dự án

Theo đó, Bình Định có 20 xã thuộc 3 huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh thuộc phạm vi thực hiện Dự án và 20 đội viên Dự án (ĐVDA) đã chính thức làm nhiệm vụ trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã kể từ tháng 7/2012.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau gần một năm nhận chức trách, nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND xã, 20 đội viên đã chấp hành nghiêm túc sự phân công theo từng lĩnh vực công tác của UBND các xã, thể hiện được tính chủ động, sáng tạo tinh thần trách nhiệm cao trên cương vị Phó Chủ tịch xã. Các đội viên có tư tưởng chính trị vững vàng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan. Có tinh thần cầu tiến, học hỏi, tìm hiểu tình hình chung của xã, nhất là lĩnh vực được giao, bước đầu cơ bản nắm được tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương và đã có những đóng góp tích cực giúp chính quyền, nhân dân địa phương cải tiến phương thức sản xuất, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, các đội viên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng internet để nắm bắt thông tin, giúp lãnh đạo UBND xã xử lý điều hành hiệu quả công việc được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu đáng biểu dương ấy, quá trình thực hiện Dự án trong thời gian sắp tới sẽ còn gặp không ít khó khăn, thử thách: đa số đội viên đều là sinh viên mới tốt nghiệp, tuổi đời còn rất trẻ, kinh nghiệm công tác chưa nhiều, chưa am hiểu sâu sắc phong tục tập quán của địa phương, đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp với bà con đồng bào dân tộc thiểu số nên còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ khi thực hiện nhiệm vụ, chưa phát huy hết vai trò của Phó Chủ tịch UBND xã.

Phát biểu tại Hội nghị, các cơ quan, đơn vị đánh giá cao chủ trương triển khai thực hiện Dự án tại 20 địa phương thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh. Đây không chỉ là nguồn cán bộ trẻ, có tri thức, giúp lãnh đạo địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết 30a mà còn là nguồn cán bộ lâu dài, phục vụ cho công tác quy hoạch, sử dụng của đại phương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Mai Thanh Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo của Dự án, nhất là những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chế độ chính sách, tạo điều kiện nơi sinh hoạt, làm việc cho các đội viên, phát triển Đảng cho đội viên, nhất là phương án quy hoạch sử dụng các em sau khi kết thúc thời gian thực hiện Dự án…