Sức trẻ từ làng thanh niên lập nghiệp

14:41 04/03/2012     2004

Xây dựng Đoàn   Năm 2000, bằng ý chí sức trẻ, nghị lực và sự khát khao của tuổi thanh niên, 4 chàng trai trẻ của vùng núi miền Tây Nghệ An đã mở đầu cho công cuộc biến đồi hoang thành nơi làm giàu. Đó là làng Thanh niên Sông Rộ (nay là làng thanh niên xung phong 5) thuộc xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An).
 
c
Đồi chè xanh bạt ngàn của làng thanh niên lập nghiệp
"Làng” những ngày sơ khai

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng dự án Làng thanh niên lập nghiệp thuộc 4 địa phương các tỉnh miền Trung dọc đường Hồ Chí Minh, tại Nghệ An, Làng thanh niên lập nghiệp (LTNLN) sông Rộ được thành lập vỏn vẹn có 4 người từ thời điểm đó. Ban đầu, khi mới đặt chân lên đây, rừng núi còn hoang vu, đường sá chưa có, điện, nhà cửa, cơ sở hạ tầng đang là con số không, ban đêm chỉ có tiếng vượn hú, suối reo, đêm tĩnh mịch đến đáng sợ, nhiều lúc thấy chán chường muốn "đào ngũ” nhưng rồi anh em tự động viên nhau cùng cố gắng vượt qua khó khăn, để rồi ngày hôm nay trên chính mảnh đất hoang vu ngày nào giờ đã thành những đồi chè xanh ngát, đó là tâm sự của anh Hồ Sỹ Dương - chàng thanh niên đầu tiên của làng TNLN.

Theo lời kể của các anh, thời điểm những năm 2000, làng thanh niên chưa hình thành, sau gần 2 năm phát rẫy, gieo trồng dần dần những thành quả của nhiều tháng trời mới cho thu hoạch. Anh Hoàng Văn Đông - Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) 5 cho biết: "Tổng diện tích tự nhiên của đơn vị là gần 6.000 ha đất, trong đó hơn 1.000 ha đất nông nghiệp, còn lại là rừng. Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, giờ chúng tôi cảm nhận được những thành quả đó là mồ hôi, công sức và sự tâm huyết của mọi người cộng lại.

Bằng ý chí nghị lực của thanh niên tuổi mười chín đôi mươi, những chàng trai xuất ngũ trở về địa phương lại bắt tay vào "cày xới” đất hoang để làm giàu, giữ gìn sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Gặp chúng tôi khi đang trên đường ra đồi chè, anh Nguyễn Văn Nho là một "cựu quân nhân” và là người đầu tiên làm tiền trạm cho làng nhớ lại "Lúc đó, mình được tổng đội giao cho 3 ha đất rừng, nhận đất niềm vui chưa đến thì nỗi lo đã ập tới. Nhìn ngọn đồi hoang mênh mông, cằn cỗi, trong đầu lúc đó đã có ý nghĩ "đầu hàng” nhưng rồi sau 3 năm kiên trì làm lụng cuối cùng mình cũng đã "biến” nó thành đồi chè xanh tươi như ngày hôm nay”.

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Quả thực, với lời tâm sự của những "cựu chiến binh” khởi nghiệp từ đồi núi hoang vu ngày nào so với bây giờ đã khác xa nhiều. Đến nay, làng TNLN từ chỗ có 4 "chàng cô đơn” nay đã lên tới 154 hộ với 450 nhân khẩu. Trên tổng diện tích 6.000 ha đất sản xuất, hiện có hơn một nửa là trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả, hoa màu. Ngoài ra, chăn nuôi cũng rất phát triển, hiện tại tổng đàn trâu bò của làng TNLN dao động từ 450 -500 con, hơn 3.000 con gia cầm, 15 ha diện tích ao hồ nuôi cá.

Nhờ phát huy hiệu quả mô hình nông lâm kết hợp, Làng TNLN Sông Rộ nay đã trở thành mảnh đất trù phú với cây chủ lực là chè với khoảng 1.800 tấn chè búp tươi mỗi năm. Bên cạnh đó Sông Rộ còn phát triển mô hình trồng cam và bưởi Phúc Trạch, trồng đinh hương... nhờ đó đời sống của 50 gia đình đội viên ở 3 đội sản xuất tương đối ổn định (70% số hộ có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, 30% có thu nhập từ 30-50 triệu mỗi năm). Trong đó có nhiều hộ thu nhập từ 70 – 100 triệu đồng như gia đình anh Hồ Sỹ Dương, anh Trần Anh Tuấn, anh Nguyễn Văn Nho...

Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5, Hoàng Văn Đồng đánh giá, sau hơn 10 năm "khai hoang, lập ấp” làng TNLN đã phát huy hết tiềm năng đất ở vùng sâu vùng xa, tạo được công ăn việc làm ổn định cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt đã tạo được một vùng nguyên liệu chè tập trung của huyện, tỉnh. Và điều quan trọng hơn nữa là công tác an ninh quốc phòng ở khu vực biên giới được giữ vững, bên cạnh đó còn khoanh nuôi bảo vệ rừng. Mối quan hệ đoàn kết với các bạn Lào cũng luôn được Làng TNLN gìn giữ và phát huy.

Đường Hồ Chí Minh chạy qua làng như dải lụa nối nhịp bờ vui các hội viên lại với nhau. Những thanh niên xung phong ngày hôm nay sẽ thành những ông chủ, bà chủ trang trại. Một tương lai rực sáng đang chờ họ phía trước.