Quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên

17:45 15/03/2019     3317

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: Quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên về đời sống, học tập, vui chơi giải trí và đặc biệt là nghề nghiệp, việc làm là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ý kiến khi góp ý cho Luật Thanh niên tại Hội nghị Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ 30.

Sáng 15/3, tại Hà Nội, Hội nghị Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ 30 đã họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả công tác năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ năm 2019; kế hoạch kiểm tra thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên năm 2019; và thảo luận về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

 

Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam chủ trì Hội nghị

 

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Phước Lộc - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và các ủy viên thường trực Ủy ban.

Hiện Việt Nam có hơn 23 triệu thanh niên, chiếm 24,6% dân số cả nước, đại đa số thanh niên Việt Nam có ý thức học tập, lao động và không ngừng rèn luyện, phấn đấu lập thân, lập nghiệp và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên dễ bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động chống đối một số chủ trương, quyết sách của Nhà nước, gây rối trật tự xã hội; ý thức phấn đấu chưa cao; tình trạng vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp.

Thanh niên còn băn khoăn, lo lắng về vấn đề thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tiêu cực trong thi cử, tệ nạn xã hội... và mong muốn Nhà nước, các cấp các ngành quan tâm thực thi tốt hơn các chính sách liên quan đến học tập, nghề nghiệp, việc làm, giải trí, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ để phát huy sự cống hiến của thanh niên.

Chia sẻ tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự trăn trở về việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên, đặc biệt về đời sống và nghề nghiệp, việc làm. Bởi, việc thanh niên có việc làm không chỉ ổn định đời sống kinh tế gia đình mà sẽ kéo giảm tình trạng vi phạm pháp luật, các hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ.

 

Đại biểu góp ý tại Hội nghị

 

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần quan tâm xây dựng chính sách cho thanh niên về học tập, việc làm, giải trí, cơ hội thăng tiến... Với xu hướng thanh niên bỏ quê đến các khu công nghiệp làm việc như hiện nay, thì việc hỗ trợ cho thanh niên công nhân rất cần những chính sách cụ thể.

"Đa phần thanh niên công nhân có đời sống khó khăn, công việc lao động chân tay vất vả, thường xuyên tăng ca. Họ không có điều kiện chăm sóc con cái, vui chơi giải trí... Ghi nhận thực tế mới đây cho thấy tình trạng bệnh tật đang gia tăng trong đối tượng này. Có người bệnh nặng, thậm chí là ung thư, không dám đi chữa vì sợ bị đuổi việc. Vấn đề trường lớp, giáo dục, vui chơi... cho con em thanh niên công nhân cũng rất nhức nhối", đồng chí Ngọ Duy hiểu nhấn mạnh.

Trung tướng Lê Hiền Vân - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cũng đề xuất việc giải quyết việc làm cho thanh niên sau xuất ngũ cần được điều chỉnh trong Luật Thanh niên. "Hiện mỗi năm có khoảng 26.000 thanh niên nhập ngũ và cũng khoảng con số đó thanh niên xuất ngũ. Cần có cơ chế, chính sách giải quyết việc làm cho đối tượng này để thanh niên sau xuất ngũ có thể ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật", Trung tướng Lê Hiền Vân phát biểu.

Cũng trăn trở về vấn đề việc làm cho thanh niên, đồng chí Nguyễn Chí Trường - Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho rằng, hiện nay, tỷ lệ thanh niên Việt Nam đạt tiêu chuẩn kỹ năng nghề rất thấp, họ gặp khó khăn để tăng năng suất lao động và thăng tiến trong nghề nghiệp.

"Chúng ta quan tâm nhiều hơn về chuẩn giáo dục mà chưa quan tâm đúng mức đến chuẩn kỹ năng nghề cho thanh niên. Rất cần những chính sách hỗ trợ thanh niên được công nhận theo khung kỹ năng nghề và có hoạt động tôn vinh người lao động có kỹ năng nghề xuất sắc", đồng chí Nguyễn Chí Trường đề nghị.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Luật Thanh niên là luật khó bởi nhiều vấn đề của thanh niên đã được quy định trong các luật khác. Vì thế, dự thảo Luật sửa đổi cần phải có những điểm thực sự đổi mới và đảm bảo những đặc trưng riêng của thanh niên. Cần có những chính sách cụ thể để phát triển thanh niên phù hợp với xu hướng thanh niên hiện nay và sự phát triển của khoa học công nghệ, tránh những chính sách chung chung khó đi vào thực tế.

 

Trao Kỷ niệm chương "Vì thế hệ trẻ" phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn cho các đồng chí là Ủy viên, nguyên Ủy viên Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Lê Quốc Phong khẳng định, các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và đề nghị các thành viên Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, góp ý cụ thể theo từng lĩnh vực phụ trách để có được những cơ chế, chính sách mới cho thanh niên được đưa vào Luật.

Về nhiệm vụ công tác năm 2019, đồng chí Lê Quốc Phong thống nhất, nội dung kiểm tra, giám sát của năm 2019 sẽ gắn với công tác chuẩn bị cho Tổng kết chiến lược 10 năm phát triển thanh niên Việt Nam và làm nền tảng tham mưu xây dựng chiến lược mới.

Ủy ban cũng sẽ tăng cường các hội thảo, tọa đàm chuyên đề một số vấn đề trong chiến lược phát triển thanh niên, đặc biệt đi sâu các vấn đề thanh niên đang quan tâm, những vấn đề khó của thanh niên để tìm kiếm và tham mưu cơ chế, chính sách mới cho thanh niên. Bên cạnh đó, cơ chế tham mưu Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các vấn đề về thanh niên và công tác thanh niên sẽ tập trung làm tốt hơn, từ đó cơ chế phối hợp liên ngành cũng sẽ phát huy hiệu quả hơn.

 

Kiều Anh