Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11-7: Chưa đến 5,5% số thanh niên Việt Nam đạt trình độ học vấn bậc cao

09:56 10/07/2011     3105

Xây dựng Đoàn   Kết quả Tổng điều tra dân số, nhà ở và các nguồn số liệu khác, cho thấy: Thời gian qua, công tác dân số đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ giảm mức sinh, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đã giảm mạnh từ 43% xuống còn dưới 25% tổng dân số, trong khi tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi, tăng từ 53% lên 69%.
Thành tựu về công tác dân số cùng với tiến bộ về các mặt chính trị, kinh tế - xã hội ổn định từ thập kỷ 90, thế kỷ 20 đến nay đã giúp Việt Nam sớm đạt được những thành tựu đáng kể trong thực hiện cam  kết Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.

Trước những thay đổi lớn về cơ cấu dân số theo tuổi và thành tựu của công tác dân số, Việt Nam sớm bước vào kỷ nguyên 'cơ cấu dân số vàng'. Ðây là thời kỳ và là cơ hội duy nhất để Việt Nam tăng tích lũy, tăng trưởng nhanh cả về phát triển kinh tế và xã hội. Cần có chính sách 'tận dụng' tiềm năng nguồn lực lao động trẻ hết sức dồi dào, với nhóm dân số trẻ tương đối lớn khoảng một triệu người tham gia vào thị trường lao động mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn lao động dồi dào nhưng trình độ học vấn, tay nghề, thể lực và tầm vóc đang có nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu lao động cho nền kinh tế - xã hội chất lượng cao.

Phân loại quốc tế về giáo dục của UNESCO, trong nhóm dân số từ 25 tuổi trở lên thì 18,9% đạt được trình độ học vấn bậc trung và chưa đầy 5,5% dân số trong độ tuổi trên đạt trình độ học vấn bậc cao. So với quốc tế cho thấy, chỉ số phát triển con người Việt Nam có tỷ lệ dân số đạt trình độ học vấn bậc cao thấp hơn các nước có vùng xếp hạng về chỉ số phát triển con người như Mông Cổ, Nam Phi. Theo các chuyên gia, thành công trong phổ cập giáo dục tiểu học chưa thể là yếu tố bảo đảm cho chất lượng giáo dục cũng như việc học tập.

Kết quả phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở có mối tương quan giữa tổng tỷ suất sinh và tỷ lệ người biết đọc, biết viết ở cấp tỉnh và thành phố: Các tỉnh có tổng tỷ suất sinh cao hơn thì tỷ lệ biết đọc, biết viết thấp hơn. Bên cạnh đó, cũng có mối tương quan giữa tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nữ giới với trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Theo đó, những tỉnh có đông nữ giới kết hôn sớm cũng là các tỉnh có tỷ lệ dân số đạt trình độ cao đẳng trở lên thấp hơn. Ðặc biệt, mối tương quan giữa mức sinh cao và trình độ học vấn thấp và giữa kết hôn sớm với trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp ở nữ giới là rất rõ rệt.

Trình độ học vấn giữa nam và nữ, giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các dân tộc còn nhiều bất cập. Thời gian tới, Chiến lược phát triển dân số/sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2015, Chiến lược phát triển giáo dục và Chiến lược đào tạo nghề Việt Nam 2011-2020 cần quan tâm đến lứa tuổi kết hôn, chất lượng dân số ở từng vùng, miền. Ðồng thời, cần nghiên cứu sâu thêm về nguyên nhân, tỷ lệ bỏ học cao ở một số tỉnh phía nam, để từ đó xây dựng các chương trình dân số, giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.