Già hoá dân số được ưu tiên trong Chiến lược Dân số và Sức khoẻ sinh sản

15:44 13/06/2011     1854

Xây dựng Đoàn   Già hoá dân số là một thành tựu xã hội to lớn của mỗi quốc gia, và LHQ dự báo Việt Nam chỉ mất 20 năm để bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “già”.
Già hoá dân số là một thành tựu xã hội to lớn của mỗi quốc gia, và LHQ dự báo Việt Nam chỉ mất 20 năm để bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “già”.

Tại buổi gặp gỡ báo chí của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) ngày 12/5 tại Hà Nội, ông Bruce Campbell, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hoá dân số một cách nhanh chóng, do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng lên trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm.

Số liệu điều tra cho thấy, thời gian để Việt Nam chuyển từ cơ cấu dân số “già hoá” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn rất nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Chẳng hạn như Thuỵ Điển phải mất 85 năm, Nhật Bản là 26 năm, Thái Lan là 22 năm, trong khi dự báo ở Việt Nam chỉ là 20 năm. Theo đó, Việt Nam sẽ chính thức vào thời kỳ “già hoá” vào năm 2017 và giai đoạn “già” vào năm 2035.

Già hoá dân số là một thành tựu xã hội to lớn của loài người và mỗi quốc gia. Điều đó cho thấy Việt Nam đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc cải thiện y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, già hoá dân số nhanh chóng cũng sẽ tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam về các vấn đề an sinh xã hội, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, quỹ hưu trí và phúc lợi dành cho người già, vấn đề bất bình đẳng giới bất bình đẳng giữa các thế hệ.

Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình - Bộ Y tế cho biết: “Già hoá dân số được coi là một trong những vấn đề ưu tiên trong Chiến lược Dân số và Sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011 – 2020. Trong giai đoạn tới, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng cao, do đó Việt Nam cần phải có những chính sách thiết thực để phát huy và chăm sóc người cao tuổi ngày một tốt hơn.

Bên cạnh đó, số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 tại Việt Nam cũng lưu ý, số lượng phụ nữ cao tuổi chiếm ưu thế hơn so với nam giới cao tuổi. Cụ thể, tỷ lệ nam giới/nữ giới cao tuổi ở độ tuổi 60 – 69 là 100/131; ở nhóm tuổi 70 – 79 là 100/149 và nhóm tuổi 80 trở lên là 100/200. Đây chính là biểu hiện “nữ hoá dân số cao tuổi” ở Việt Nam, đặc biệt phụ nữ cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi./.