Em nuôi của Đoàn

09:30 14/07/2012     2897

Xây dựng Đoàn   Mỗi chi đoàn TNCS nhận đỡ đầu một “em nuôi”, chi đoàn nào có khả năng sẽ nhận nhiều hơn. Tùy theo điều kiện có thể nhận đỡ đầu toàn bộ hoặc chăm lo, tặng sách, vở, bút, quần áo, học phí, xe đạp, học bổng... để các em nhỏ được đến trường. Đó là mô hình “Em nuôi của Đoàn” do Đoàn TNCS HCM quận Bình Tân (TPHCM) đang triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.
a
Đ/c Nguyễn Thành Hiếu, Bí thư Chi đoàn khu phố 10 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) đang hướng dẫn “em nuôi” Nguyễn Văn Lộc học bài.
Tiếp sức đến trường

Cha mất từ lúc mới lên 2 tuổi. Đến 9 tuổi mẹ lại bị đi tù. Từ đó 3 anh em chỉ biết bấu víu vào bà ngoài đã 87 tuổi. Đó là hoàn cảnh của em Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 2001, ngụ 130/25/26 Lê Đình Cẩn, khu phố 10, phường Tân Tạo (quận Bình Tân). Năm nay, Lộc lên lớp 6, anh của Lộc lên lớp 8 còn một người em út lớp 4. Bà Lê Thị Giêng (bà ngoại Lộc) cho biết, 3 anh em Lộc mồ côi cha từ nhỏ. Hoàn cảnh càng khó khăn khi vắng mẹ. “Bản thân tui không biết chữ. Hàng ngày nhặt ve chai để lo cơm gạo hàng ngày cho tụi nhỏ. Ai cho gì ăn thêm cái đó. Ngặt một nỗi, thằng Lộc bị bệnh thận nên phải đi bệnh viện thường xuyên. Nhiều lần tui làm đơn xin cho cháu nó nghỉ học, nhưng…”, bà Giêng sụt sùi.

Đứng trước nguy cơ thất học của Lộc, Đoàn phường Tân Tạo cùng Chi đoàn khu phố 10 bàn bạc thống nhất đứng ra đỡ đầu và nhận làm “em nuôi” của Đoàn. Không chỉ giúp đồ dùng học tập, học phí, các đoàn viên còn vận động các mạnh thường quân trên địa bàn quyên góp giúp đỡ tiền cho Lộc điều trị bệnh. Dù phải thường xuyên vào viện nhưng những lúc bớt bệnh, Lộc lại tập trung vào học và phụ giúp bà trong việc dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm. Năm học 2011-2012 vừa qua, Lộc đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. “Con muốn khỏi bệnh, được đi học cùng bạn bè, con cũng muốn phụ giúp ngoại nữa. Con thích nhất là khi các anh chị đến để giúp con học bài”, Lộc ước mơ.

Cùng khu phố, cách nhà Lộc một con hẻm, hoàn cảnh em Lê Thị Thanh Tuyền sinh năm 1995 cũng chẳng khá hơn. Cha bị bệnh, mẹ làm công nhân giày da, gia đình nằm trong diện nghèo, khó khăn. Trước những khó khăn của Tuyền, chi đoàn khu phố đã đề xuất vận động các đoàn viên, thanh niên góp tiền mua dụng cụ học tập cho em. Đoàn phường Tân Tạo đã cấp học bổng cho Tuyền 300.000 đồng/tháng để đóng học phí giúp em tiếp tục đến trường.

Vì cuộc sống mưu sinh nên Nguyễn Thành Hậu (SN 1998, ngụ phường An Lạc A) phải đi bán vé số và đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Năm bắt được tâm tư nguyện vọng của Hậu, Chi đoàn Văn phòng UBND quận Bình Tân đỡ đầu và nhận làm “em nuôi của Đoàn”. Ngoài việc đóng góp dụng cụ học tập, học phí, các anh chị đoàn viên đã bỏ công thay phiên nhau giúp đỡ, kèm cặp Hậu học hành.

Nhân rộng mô hình

Hiện nay, công trình thanh niên “Em nuôi của Đoàn” đã được 32 cơ sở Đoàn ở quận Bình Tân nhận đỡ đầu, chăm lo cho 60 học sinh trong diện nghèo đến khi học xong THPT. Đây chính là động lực để nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải bỏ học mưu sinh và cũng là công trình có ý nghĩa thực chất. 60  em nhỏ tham gia chương trình đều là con của những gia đình rất nghèo trong số các gia đình được cấp mã số hộ nghèo của quận. Có bạn mồ côi cả cha mẹ sống với bà, có bạn mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ không có công việc ổn định và phần lớn đều là người từ nơi khác đến lập nghiệp tại TPHCM.

Đ/c Lê Thị Ngọc Dung, Bí thư Quận đoàn Bình Tân cho biết, từ kết quả ban đầu tạo được hiệu quả và sự đồng thuận cao, Quận đoàn Bình Tân đã quyết định triển khai, nhân rộng mô hình. Trước hết, các chi đoàn trong khối doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang được chọn làm trước, rồi đến các chi đoàn khu phố. Mỗi chi đoàn nhận đỡ đầu một em, chi đoàn nào có khả năng sẽ giúp nhiều hơn. Phần lớn khoản tiền hỗ trợ đều do chính đoàn viên chi đoàn tiết kiệm đóng góp. Cũng có nơi được sự tiếp sức của MTTQ, Hội LHPN hay những mạnh thường quân biết đến chương trình.

Tùy theo điều kiện của từng đơn vị có thể nhận đỡ đầu và chăm lo như trao tặng sách, đồ dùng học tập, quần áo, học phí, tặng xe đạp, tặng quà... để các em có điều kiện đến trường. Ngoài việc hỗ trợ tiền, tặng quà, các đoàn viên sẽ thay phiên nhau đến nhà dạy kèm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em. Mục tiêu đề ra trong thời gian tới là sẽ có thêm 100 em được nhận làm “Em nuôi của Đoàn”. “Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phân công đoàn viên dạy kèm, tư vấn và rộng hơn là giúp cho gia đình “em nuôi” vay vốn, tạo việc làm có thu nhập ổn định”, đ/c Lê Thị Ngọc Dung chia sẻ.