Công trình nhà chống lũ của tân Phó Chủ tịch xã

17:43 15/10/2012     1807

Xây dựng Đoàn   Phụ trách mảng văn hóa xã hội, Hồ Thị Hồng, tân Phó Chủ tịch xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nhanh chóng “ghi điểm” với người dân và tập thể cán bộ xã từ tính hữu ích của Đề án ngôi nhà chống lũ.
a
Sự quan tâm, chia sẻ của bà con là động lực lớn giúp Hồng (ngồi phía trái ảnh) vượt qua khó khăn

Ước mơ thiết kế nhà cho người dân vùng lũ giúp giảm bớt bị thiệt hại bởi thiên tai là ý tưởng đã ấp ủ trong suy nghĩ của Hồ Thị Hồng (trú xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Hồ Thị Hồng đã đăng ký tham dự và trúng tuyển chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

“Nhà vượt lũ” vượt khó cùng bà con

Tân Hóa là một xã miền núi cách trung tâm huyện chỉ 12km nhưng đường giao thông liên xã chưa được bê tông hóa, nên việc đi lại rất vất vả đặc biệt là mùa mưa lũ.

Địa hình Tân Hóa được ví như 1 cái túi đựng nước, bao quanh xã là những dãy núi đá vôi sừng sững, chưa mưa đã lo lũ lụt. Đó là khó khăn chung của toàn xã mà cán bộ và nhân dân nơi đây phải gồng mình khắc phục.

Sau thời gian đi thực tế tại địa phương, từ một mô hình làm nhà bè của các hộ dân nơi đây, Hồng đã tìm tòi và thiết kế thành công ngôi nhà chống lũ với hy vọng giúp cho người dân tránh được những thiệt hại lớn trong mùa mưa lũ.

Chia sẻ ý tưởng thực hiện Đề án này, Hồng cho biết, các mô hình nhà chống lũ trước đây của bà con chưa thực sự hợp lý và tốn nhiều kinh phí. Bởi thế, Hồng suy nghĩ làm nhà nổi chống lũ sẽ là phương án tối ưu. Ý tưởng đã có sẵn Hồng chủ động nhờ bạn bè thiết kế mẫu và gửi bản thiết kế này cho một số tổ chức để tìm nguồn hỗ trợ.

Ngôi nhà chống lũ của Hồng được thiết kế khá rộng rãi với diện tích khoảng 24-28m2. Nhà có 6 cột, 2 gian được lợp bằng tôn xung quanh. Ngôi nhà được làm 2 tầng. Tầng trên và tầng dưới cách nhau gần 1m. Hệ thống kèo, rường, xà, cột của mỗi tầng được gắn chặt với nhau. Tầng trên sẽ được lát ván bảo đảm cho việc sinh hoạt hàng ngày và trong mùa mưa lũ. Giữa tầng trên và tầng dưới sẽ được gắn từ 15 đến 18 cái thùng phuy.

Hệ thống thùng phuy có chức năng như một cái phao lớn làm cho ngôi nhà tự động nổi lên khi nước dâng lên và hạ xuống khi nước rút.

Đánh giá về mô hình nhà chống lũ của Hồng, ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho hay: “Nước lũ ở Tân Hóa thường ngập sâu nhưng không chảy xiết. Vì vậy, ngôi nhà chống lũ của Hồng chỉ cần dây buộc chặt ở bốn góc, hoặc dùng hai cây tre chôn ở hai bên là có thể giữ được thăng bằng. Trọng tải của ngôi nhà đạt trên 5 tấn. Như vậy, người dân sẽ đưa lên nhà được rất nhiều tài sản…”

Mô hình nhà chống lũ được đánh giá là giải pháp hữu hiệu trước mắt giúp cho người dân Tân Hóa tránh được những thiệt hại lớn trong mùa mưa lũ

Mô hình được nhân rộng

Ngôi nhà chống lũ của Hồng đang được khá nhiều người dân Tân Hóa làm theo. Theo lời ông Trương Văn Luận, Trưởng thôn 1 Yên Thọ, xã Tân Hóa nói: “Kinh phí để làm mỗi ngôi nhà từ 20 đến 30 triệu đồng tùy theo chất lượng gỗ và số lượng phuy…, nên những hộ dân nào có điều kiện đều có thể triển khai công trình này”. Ngoài ra, với tính năng có thể thay thế nhà bếp nên nhà chống lũ của Hồng được nhiều người dân hưởng ứng. Cũng theo lời ông Luận, nếu được hỗ trợ kinh phí sẽ có nhiều hộ dân dỡ nhà bếp để cải tạo lại làm nhà chống lũ.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay, tại xã bà con đã tự nhân rộng mô hình nhà chống lũ và đến nay đã có hơn 30 ngôi nhà được hoàn thiện.

Ông Sơn cũng cho hay, do địa hình tại đây thường xuyên có lũ, nên tỉnh đã cho xây dựng dự án “nhà tránh lũ” kiên cố để khi cần thiết bà con có thể di dời đến đây. Tuy nhiên, theo ông Sơn, nói về tính tiện dụng thì “nhà vượt lũ” của Hồng có điểm ưu việt hơn vì có thể xử lý ngay tại chỗ, bà con không cần sơ tán đi xa.

Còn theo ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa: “Đề án này được nhiều người đánh giá cao về ý tưởng táo bạo và tính hữu dụng. Đây là giải pháp hữu hiệu trước mắt giúp cho người dân Tân Hóa đối phó với mưa lũ”.

Chia sẻ về những ngày tháng làm Phó Chủ tịch xã, Hồng tâm sự: “Trước khi viết đơn tham gia dự án rồi đến khi lên nhận nhiệm vụ, tôi đã chuẩn bị tâm lý, đặt giả thuyết cho những tình huống có thể xảy ra để mình không bị bỡ ngỡ nhưng thực tế khó khăn hơn tôi nghĩ. Nhưng không có khó khăn nào là không thể vượt qua. Vì đằng sau đó là sự quan tâm, ủng hộ của bà con, của chính quyền địa phương”.

Hồng cho biết bản thân cũng đang trăn trở với việc kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, đoàn thể để giúp bà con xây dựng nhà chống lũ, tránh được những thiệt hại lớn trong mùa mưa lũ.