Chuyện các nữ ứng viên phó chủ tịch xã

15:44 13/06/2011     1989

Xây dựng Đoàn   - Ba nữ ứng viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã cùng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành nông lâm nghiệp, trải qua nhiều công việc khác nhau, giờ họ mong muốn đến vùng khó khăn nhất để phát huy năng lực.
 - Ba nữ ứng viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã cùng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành nông lâm nghiệp, trải qua nhiều công việc khác nhau, giờ họ mong muốn đến vùng khó khăn nhất để phát huy năng lực.




Nguyễn Thị Hằng


Học dân, hiểu dân và giúp dân

“Cả 3 ứng viên trên đều có những tiêu chí xứng đáng, phù hợp chức danh PCT xã. Họ xác định nhập cuộc với tinh thần tình nguyện cao nhất. Đó là tiêu chí hàng đầu khi xét tuyển. Dự án này cần những con người quyết tâm vì sự phát triển của những vùng còn khó khăn.” - Ông Vũ Đăng Minh, GĐ Dự án 600 PCT xã
Nguyễn Thị Hằng, 25 tuổi hiện là phân đội phó tại Dự án "Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng”“ (gọi tắt Dự án 174) do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư tại 4 xã miền núi khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Hằng tốt nghiệp khoa Nông lâm ngư ĐH Vinh năm 2010.

Sinh ra tại một xã miền núi nghèo của huyện Anh Sơn (Nghệ An) nên Hằng làm quen với việc chăn nuôi, cày cấy từ nhỏ. Tại nơi Hằng đang tình nguyện có tới 65% dân tộc H’Mông, số còn lại dân tộc Khơ mú và Thái nên cô có khả năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc tốt.

Bùi Thị Hải (29 tuổi), dân tộc Mường, tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm 2008 chuyên ngành trồng trọt. Quê ở Kim Bôi - Hòa Bình, hiện Hải là nhân viên bán hàng tại Hà Nội. Sở dĩ Hải đăng ký về Điện Biên bởi cô tự tin trong việc tiếp cận và ở lại xã vùng cao.

Hải đã tìm hiểu kỹ những huyện nghèo của Điện Biên tuyển PCT xã, chủ yếu là dân tộc Thái với phong tục tập quán gần giống với người Mường của cô. Việc học tiếng dân tộc với Hải khá dễ dàng.

Chia sẻ dự định nếu trở thành PCT xã, Hải cho biết, việc đầu tiên là phát triển kiến thức về trồng trọt đã được học. “Nếu được xét tuyển, sau khóa đào tạo kiến thức cần thiết, tôi sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho vị trí PCT xã. Rào cản lớn nhất đối với tôi là chưa từng kinh qua công tác quản lý và tôi mong muốn được Ban Quản lý dự án trang bị thêm kiến thức này”, Hải nói.

Nguyễn Thị Lương (27 tuổi), tốt nghiệp ĐH Nông lâm Huế năm 2006 và là kỹ sư thuộc Cty đầu tư phát triển chè Nghệ An từ ngày ra trường đến nay. Lương cho biết, nếu trở thành PCT xã, cô phải học hỏi, gần gũi và sau đó thực hiện trọng trách giúp đỡ người dân. “Trước khi quyết định nộp hồ sơ, tôi gặp gỡ các bác lãnh đạo trong xã, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức và hiểu hơn trách nhiệm khi tham gia dự án”, Lương chia sẻ.

Cả 3 nữ ứng viên đều tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp và khó khăn lớn nhất của họ là thay đổi tập tục canh tác lạc hậu, kém năng suất của đa số người dân tộc bản địa. “Muốn người dân làm theo mình nhất định tôi phải trực tiếp làm mẫu. Ví dụ, tôi sẽ trồng lúa giống mới theo kỹ thuật canh tác mới. Chỉ khi người dân so sánh hiệu quả của việc áp dụng kỹ thuật mang lại hiệu quả cao hơn, chắc chắn họ sẽ tin và làm theo” - Hải chia sẻ.

Hằng cho hay, để thuyết phục người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cô phải đi lại nhiều lần và bằng phương pháp làm việc trực quan, cầm tay chỉ việc, cùng làm với dân nên dần họ tin tưởng. Sau 1 năm công tác, hầu hết người dân chia sẻ và làm theo hướng dẫn của đội viên tình nguyện.

“Tôi mong muốn 600 TTT được tuyển phải nâng cao ý thức gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm thực sự với người dân. Chỉ khi nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin thì cán bộ đó dù đến nơi nào cũng sẽ được tin yêu”..

Quyết tâm bám trụ


Những ứng viên PCT xã sẽ làm gì nếu tại địa phương được cử đến rất khó khăn, thiếu thốn?

Câu trả lời của Bùi Thị Hải: “Tôi đã quyết tâm và trụ ở lại cho dù có khó khăn đến đâu. Tôi sinh ra ở miền núi, nên nếu có thêm khó khăn gian khổ nhiều hơn nữa cũng không phải là vấn đề quan trọng. Tôi quyết tâm và xác định trở thành PCT xã không phải là làm quan, hưởng công việc nhàn nhã mà là để chia sẻ khó khăn với người dân, giúp đỡ họ nhiều hơn”. Hải đặt ra nhiều tình huống, dự đoán những khó khăn trong công việc, cuộc sống và cả vấn đề sức khỏe, hoà nhập với người dân bản địa... “Tôi chỉ mong Dự án triển khai thật nhanh để tôi được lên đường”, cô nói.

Nguyễn Thị Hằng kể, cô tham gia tình nguyện tại 4 xã nghèo nhất huyện Kỳ Sơn với những khó khăn nằm ngoài sức tưởng tượng.

“Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế; Thời tiết khắc nghiệt, ba tháng mùa đông không có ánh nắng mặt trời... nên 2 tháng đầu tôi chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi sống với người dân quanh năm nghèo khó, tôi thấy được niềm tin của họ dành cho mình và thấm thía trách nhiệm của mình là phải góp phần làm cho cuộc sống của họ tốt hơn. Giờ, không có gì khuất phục tôi nếu trở thành PCT xã cho dù về xã khó khăn nhất. Tôi mong muốn tất cả TTT về xã nghèo và ở lại với người dân trong và sau khi kết thúc dự án”, Hằng nói.

Còn Nguyễn Thị Lương đã tự xác định, tuổi trẻ cần phải làm việc gì đó có ích cho dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, nên lường trước những khó khăn để quyết tâm ở lại, gắn bó với người dân.