Báo động tỷ lệ nhiễm HIV cao trong thanh niên

15:44 13/06/2011     1945

Xây dựng Đoàn   Trong một báo cáo, Liên hợp quốc cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong đối tượng thanh niên trên toàn thế giới đã lên tới mức đáng báo động.
Trong một báo cáo, Liên hợp quốc cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong đối tượng thanh niên trên toàn thế giới đã lên tới mức đáng báo động.

Báo cáo “Cơ hội trong khủng hoảng” của Liên hợp quốc đã nêu bật những lối sống có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS, đồng thời chỉ rõ những khoảng cách lớn và những cơ hội để ngăn chặn lây nhiễm căn bệnh thế kỷ này trong giới thanh niên.

Hiện nay, thanh niên độ tuổi 15-24 chiếm tới 45% trong tổng số người mới nhiễm HIV/AIDS mỗi năm trên toàn cầu. Với trên 890.000 thanh niên độ tuổi này nhiễm HIV/AIDS trong năm 2009, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500 thanh niên dưới 30 tuổi trên thế giới bị nhiễm mới.

Trên toàn cầu, số nữ thanh niên bị nhiễm HIV/AIDS chiếm hơn 60% tổng số thanh niên nhiễm mới hàng năm. Con số này ở khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi lên tới 72%.

Báo cáo đặc biệt lưu ý rằng tuy hàng triệu người mất người thân vì dịch bệnh HIV/AIDS, nhưng 2/3 số thanh niên được thăm dò trên thế giới không ý thức được nguy cơ này.

Thanh niên đóng vai trò quyết định trong các nỗ lực phòng ngừa và ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS, nhưng tiếng nói của họ thường không được lắng nghe ở nhiều nước đang phát triển.

Để trao quyền cho thanh niên trong nỗ lực toàn cầu này, Liên hợp quốc đã thành lập Quỹ Thanh niên phòng chống HIV/AIDS vào tháng 12/2009 hoàn toàn do thanh niên lãnh đạo và điều hành nhằm giúp tăng cường tiếng nói của thanh niên trong quá trình hoạch định chính sách phòng phòng chống căn bệnh chết người này. Cho đến nay, quỹ đã thúc đẩy 23 sáng kiến ngăn ngừa HIV/AIDS trên toàn cầu.

Báo cáo “Cơ hội trong khủng hoảng” là nghiên cứu chung của bảy cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc bao gồm Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình chung của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cùng Ngân hàng Thế giới (WB)./.