14 công trình tranh tài tại vòng chung khảo “Tri thức trẻ vì giáo dục” 2018

13:24 09/11/2018     777

3 Phong trào   Web.ĐTN: Chiều 9/11, tại Hà Nội đã diễn ra vòng thi chung khảo chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Tuổi trẻ và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Các tác giả trình bày về công trình/sáng kiến trước Hội đồng Ban Giám khảo

 

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục 2018” nhằm khuyến khích các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho ngành giáo dục. Năm 2018 là năm thứ ba chương trình được triển khai. 

 

Từ hơn 400 công trình dự thi, tại vòng sơ khảo, Hội đồng Ban Giám khảo“Tri thức trẻ vì giáo dục 2018” đã chọn ra 14 công trình xuất sắc nhất vào vòng chung kết.

Ở vòng thi chung kết, tác giả của 14 công trình sẽ có tối đa 05 phút trình bày trước Hội đồng chung khảo về công trình/sáng kiến của mình. Sau đó, các tác giả phải trả lời các câu hỏi phỏng vấn của Hội đồng Ban Giám khảo. 

Dựa trên phần trình bày và phần phản biện của các tác giả, Ban Giám khảo sẽ chọn ra tối đa 05 công trình xuất sắc nhất. Tính mới và tính khả thi sẽ là tiêu chí để hội đồng chung khảo sẽ chọn ra các công trình xuất sắc nhất.

Ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc Marketing, Tập đoàn Thiên Long cho biết: "Tại Vòng chung khảo Tri thức trẻ vì giáo dục 2018, Ban tổ chức tiếp tục mời các cơ quan báo chí tham dự để các phóng viên có cái nhìn chi tiết về các công trình thông qua phần trình bày của từng tác giả, nhóm tác giả cũng như phần phản biện, đánh giá  của hội đồng chung khảo uy tín. Nhờ hoạt động tuyên truyền của các cơ quan báo chí, xã hội sẽ hiểu hơn về năng lực và tâm huyết đóng góp cho ngành giáo dục của những người trẻ". 

05 công trình xuất sắc nhất sẽ nhận được giải thưởng trị giá 100 triệu đồng/giải, các công trình còn lại nhận giải thưởng 10 triệu đồng/giải.

Lễ trao giải Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 sẽ diễn ra vào tối ngày 11/11/2018 tại Thủ đô Hà Nội. 

*Danh sách 14 công trình xuất sắc nhất vào vòng chung kết Tri thức trẻ vì giáo dục 2018:

1. Công trình Toán tương tác - Flash for Math, tác giả Nguyễn Nga Nhi 

2. Công trình Ứng dụng thực tại ảo 4D trong dạy học vật lí và hóa học, tác giả Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Thị Hồng Nhung

3. Công trình SHub – Hệ thống hỗ trợ môi trường giáo dục thông minh, tác giả Nguyễn Đăng An, Phạm Thị Quỳnh Giao, Lê Văn Quang, Nguyễn Ngọc Huân, Nguyễn Phương Nam

4. Công trình Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT), tác giả Nguyễn Huy Du

5. Công trình Dụng cụ học tập sử dụng các môn ở khối Tiểu học, tác giả Nguyễn Trung Tài, Nguyễn Quốc Tân, Nguyễn Tấn Bảo, Lê Bảo Sương

6. Công trình VEC – Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ Blockchain, tác giả Lê Yên Thanh, Lâm Trung Hiếu, Nguyễn Lâm Ngọc Bích

7. Công trình Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các các chủ đề của kĩ năng sống, tác giả Dương Thị Thu Hà, Bùi Minh Ngọc, Bùi Khánh Vy

8. Công trình Bàn học cải tiến, tác giả Phạm Quỳnh Sơn, Đinh Đức Tiến

9. Công trình Đa sắc giới- Rút ngắn khoảng cách LGBT+, tác giả Lê Thị Bé Nhung

10. Công trình Phần mềm học tiếng anh trực tuyến IOSTUDY, tác giả Lục Quang Tấn, Trần Đức Thắng, Nguyễn Thành Luân, PhạmTrung Hiếu, Nguyễn Anh Tuấn

11. Công trình Nguyên nhân, tác động của hội chứng Sophophobia lên học sinh THPT và đề xuất hướng khắc phục, tác giả Lê Thanh Nhã, Lê Huỳnh Mai Tâm

12. Công trình Ứng dụng Smart Study Assistant vào môi trường học tập 4.0, tác giả Nguyễn Duy Phước Hải

13. Công trình Cải thiện hoạt động tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông thông qua cổng thông tin điện tử về thực tế nghề nghiệp Ecareer, tác giả Phan Nguyễn Phong Luân, Võ Quốc Bảo

14. Công trình Giáo dục, tuyên truyền  học sinh chấp hành an toàn giao thông qua “Phần mềm Cùng em học an toàn giao thông trên nền tảng scratch”, tác giả Đoàn Thanh Hải, Cao Anh Tuấn, Bùi Phương Chi, Đậu Mai Phương    

 

Phạm Linh