Việc khó có thanh niên: Những người trẻ “đánh thức” trẻ tự kỷ

13:46 16/06/2015     1061

3 Phong trào   6 tháng tình nguyện ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương khiến Nguyễn Minh Hằng (sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội) không khỏi băn khăn về hoàn cảnh của trẻ bị bệnh bại não, tự kỷ và chậm phát triển.
Hằng kể: "Mỗi đợt điều trị của các em thường phải kéo dài khoảng 1,5 tháng (6 đợt mỗi năm), các em không có cơ hội được hưởng những nhu cầu cơ bản nhất như đi học và vui chơi như bạn bè đồng trang lứa. Nhiều em còn bị chính cha mẹ mình bỏ rơi vì họ có cách nhìn bi quan về khuyết tật cũng như cơ hội phát triển của các em…"
Một buổi học của dự án Những đứa trẻ phi thường dành cho bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương
Một buổi học của dự án Những đứa trẻ phi thường dành cho bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương


Mang tình yêu thương...

Đó là lí do khiến Hằng và một số sinh viên các trường đại học khác trên địa bàn thành phố Hà Nội chung tay thực hiện dự án Những đứa trẻ phi thường. Trong đó, các thành viên của  dự án  sẽ  tổ chức đều đặn các lớp học sáng tạo cho các em nhỏ bị bệnh bại não, tự kỷ và chậm phát triển tại khoa Nhi bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương  hai lần một tuần vào chiều thứ  ba và thứ sáu. Mỗi buổi học kéo dài khoảng 2 tiếng, với các nội dung được liên tục thay đổi như: thể hiện tình yêu thương, nhận biết màu sắc, âm nhạc, trò chơi vận động…

Ngoài các nội dung hỗ trợ các em nhỏ phát triển toàn diện, dự án cũng chú trọng đến việc hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc con em mình cho phù hợp. Giúp cho phụ huynh nhận thức được rằng con em họ có thể được chữa khỏi và chúng hoàn toàn có thể phát triển như một đứa trẻ bình thường, chứ không phải là gánh nặng của gia đình.

Dự án mới được thực hiện được 2 tháng nhưng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các tổ chức, cá nhân trong việc mua đồ dùng, trang thiết bị cho các buổi học. Vì thế, đều đặn vào thứ ba, thứ sáu hàng tuần các em nhỏ bị bệnh bại não, tự kỷ và chậm phát triển ở bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương có một sân chơi hữu ích.

Sự tận tâm, nhiệt tình của các anh chị trong dự án đã mang đến điều kì diệu cho các em nhỏ thiếu may mắn này. “Người tiến bộ nhất trong lớp có bé Huyền. Thời gian đầu khi tham gia lớp học Huyền gần như không hề có giao tiếp với mọi người xung quanh nhưng qua hai  buổi học  bé đã có phản ứng khi nghe thấy tiếng nhạc.

Thậm chí, bé rất chăm chú theo dõi các clip âm nhạc do các anh chị tình nguyện viên mang đến”, Bùi Thị Huyền, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên dự án cho biết.

Chị Nguyễn Thị Lợi, phụ huynh của một trẻ chậm phát triển tham gia lớp học của dự án chia sẻ: "Bé nhà mình luôn mong đến ngày thứ  ba và thứ sáu để được học cùng các anh chị. Bé luôn làm bài tập về nhà đầy đủ và hào hứng đợi các anh chị tình nguyện viên đến là mang ra khoe.

Nhiều khi nhìn con chăm chú làm bài tập mà mình rớt nước mắt. Nhờ  có niềm vui nho nhỏ đó mà con mình nghị lực để chống chọi với bệnh tật” .

Những người trẻ dũng cảm

Để các bệnh nhi và người nhà có niềm vui như hôm nay, các thành viên trong dự án đã phải vượt qua không ít khó khăn. Những ngày đầu thực hiện dự án chỉ có vẻn vẹn ba thành viên. Họ vừa phải sắp xếp lịch học vừa  phân chia nhau đi khảo sát ở bệnh viện.

"Chúng mình chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với trẻ em, nhất là các em nhỏ tự kỉ hay bại não nên thực sự hoang mang. Tình trạng của các em nặng hơn tưởng tượng ban đầu của chúng mình rất nhiều, số lượng các em ở bệnh viện cũng không đều, chênh lệch độ tuổi khá lớn.

Chúng mình thực sự không biết có thể làm gì để giúp các em và liệu là dự án có đem lại được sự thay đổi cho gia đình trong thời gian mà các em điều trị ở bệnh viện chỉ có tầm 2 tháng như vậy được không", Đặng Thị Thanh Xuân, thành viên dự án chia sẻ.

Khó khăn vẫn chưa hết, chính những người được thụ hưởng dự án tỏ ra nghi ngờ tính chất của dự án là thiện nguyện hay thương mại. Rất nhiều lần, các thành viên trong dự án nhận được lời nói thẳng như: “Chương trình của các em rất tốt nhưng nếu thu tiền thì thu ít thôi vì các gia đình ở đây toàn nông dân nên không có nhiều tiền đâu”.

Nhiều người khác lại cho rằng những bạn trẻ này  làm dự án chỉ một hoặc hai buổi để làm đẹp hồ sơ để dễ dàng  xin học bổng.

Tuy nhiên, khi được chứng kiến sự nhiệt tình của các tình nguyện viên cũng như các buổi học diễn ra rất đều đặn thì người nhà bệnh nhân hết sức ủng hộ dự án. Họ mở lòng với các thành viên trong dự án nhiều hơn, thường xuyên tâm sự kể về hoàn cảnh của các em nhỏ cũng như những khó khăn vất vả mà gia đình phải đối mặt khi đưa các bé đi chữa trị.

“Các cô chú và các em nhỏ ở đây đã tin tưởng chúng mình như những người thân trong gia đình. Điều đó giúp chúng mình có động lực vượt qua khó khăn để tiếp tục thực hiện dự án lâu dài.

Chúng mình muốn “đánh thức” những năng lực còn tiềm ẩn trong các em. Chúng mình cũng sẽ tiếp tục gây quỹ và nhân rộng mô hình này ở nhiều bệnh viện nhi khác trên địa bàn Hà Nội”, Nguyễn Minh Hẳng, Trưởng dự án Những đứa trẻ phi thường chia sẻ.