Thương người giữ biển

08:02 10/06/2015     1368

3 Phong trào   Kiều Hồng Ngọc (sinh năm 1993, sinh viên Học viện An ninh Nhân dân) là một chàng sinh viên đa tài. Trong suốt hải trình đến với Trường Sa trong “Học kỳ trên biển”, Ngọc đặc biệt chú ý tới những con truyền ngư dân Việt Nam đánh cá trên biển mênh mông.
Kieu-Hong-Ngoc-trai-giao-luu-chien-si-Nam-Yet
Kiều Hồng Ngọc giao lưu với chiến sỹ đảo Nam Yết


Làm clip về ngư dân

Kiều Hồng Ngọc có được một “vé” đi Trường Sa nhờ giành giải Nhất cuộc thi “Tìm hiểu về ngư dân trẻ tiêu biểu”, năm 2015, do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy sản tổ chức. Ngọc là trưởng nhóm Thắp Lửa, với bài thi là phóng sự truyền hình dài 5 phút về ngư dân trẻ Nguyễn Văn Hậu, người Kiến Thụy, Hải Phòng. Phóng sự đã vượt qua 2.600 bài dự thi và được vinh danh.

Ngọc cho biết: “Mình và các bạn Thắp Lửa đã quay phóng sự trong 2 ngày. Mình biết, làng Kiến Thụy có truyền thống đánh bắt xa bờ. Ngư trường của ngư dân làng này rất rộng, từ Bạch Long Vĩ đến vùng biển ngoài khơi Hà Tĩnh. Qua Hiệp hội Nghề cá nơi đây, tụi mình đã tìm được nhân vật Nguyễn Văn Hậu. Việc tiếp xúc với anh Hậu khá khó khăn vì những ngày thuyền đánh cá anh cập bờ cũng là những ngày thời tiết không thuận lợi cho việc quay phim. Nhưng khi gặp anh Hậu, tụi mình khai thác được rất nhiều chi tiết thú vị về cuộc đời đi biển của anh, như việc anh cầm lái tàu 2 năm thì đã lên thuyền trưởng. Gia đình anh có truyền thống làm nghề đan lưới nhưng anh lại thích phiêu lưu trên những vùng biển rộng. Anh kiên trì bám trụ ở ngư trường truyền thống, trong thời điểm giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt phi pháp trên vùng biển Việt Nam, dù không biết bao lần bị xua đuổi”.

Qua phóng sự, ngoài những chia sẻ về lựa chọn nghề, đời sống, ước mơ, dự định tương lai của ngư dân, Ngọc cùng các bạn còn chú trọng chuyển tải những khó khăn của ngư dân, những đề xuất của họ đến với các cơ quan chức năng.

Thương người giữ biển

Đi Trường Sa với “Học kỳ trên biển” 2015, Ngọc hiểu sâu sắc hơn cuộc sống của con người và biển cả. “Mình được đi trên con tàu vận tải của Hải quân Việt Nam. Ra khơi, mình đã thấy bóng những con thuyền gỗ nhỏ bé của ngư dân đánh bắt xa bờ giữa biển khơi. Đời sống của ngư dân đối diện với trùng dương bão tố. Sự an toàn của họ luôn bị đe dọa bởi thiên nhiên và bởi những “bóng đen bành trướng” trên biển”, Ngọc bày tỏ.

Ngày còn nhỏ, học lớp 9, Ngọc đã được xem hải chiến Gạc Ma trên biển. Ngọc chia sẻ: “Xem xong, mình đã khóc. Giờ có cơ hội ra đây, được thắp nén hương cho những chiến sĩ hải quân Gạc Ma trầm mình vào biển cả, mình vô cùng xúc động. Mình đặc biệt chú ý đến các anh công binh. Các anh làm công việc nặng nhọc mà không nề hà gian khó. Những người trẻ trong đất liền luôn phải biết ơn những người lính Trường Sa. Sau chuyến đi này, mình nghĩ, nên tạo ra nhiều kênh liên lạc giữa đảo và đất liền hơn. Khi tụi mình gặp và giao lưu, các anh vui lắm. Vậy tại sao không kéo dài niềm vui ấy, dù chúng ta đã trở về đất liền?”.