Dự án xanh

12:54 09/09/2012     2037

3 Phong trào   Nhiều bạn trẻ đã đưa ra ý tưởng, sản phẩm bảo vệ môi trường bằng các dự án xanh.
a
Hạnh Nguyên đang phát những bộ ghép tranh cho học sinh  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Những Mảnh ghép

Mai Trần Hạnh Nguyên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 đã hình thành dự án Mảnh ghép xanh giúp học sinh có thêm kiến thức về môi trường.

Cô cho rằng: “Học sinh tiểu học là lứa tuổi hiếu động, thích tìm tòi và cũng dễ tiếp thu kiến thức. Nếu mình cho các em thấy tác hại của việc tàn phá môi trường, sự biến đổi khí hậu thì sẽ tác động mạnh mẽ đến nhận thức của học sinh. Từ đó hình thành trong mỗi em ý thức bảo vệ môi trường”.

Sản phẩm Hạnh Nguyên cho ra đời là những câu khẩu hiệu về sự biến đổi khí hậu, tác hại của việc tàn phá rừng, săn bắt động vật qua 27 bức tranh do chính cô vẽ hoặc sưu tầm trên mạng. Nhiều mảnh ghép bằng giấy ghép lại tạo thành một bức tranh với nội dung là những câu chuyện cổ tích, sự kiện lịch sử Việt Nam được cải biên liên quan đến môi trường. Với bức tranh vẽ Thánh Gióng cưỡi ngựa và thốt lên: “Vũ khí đâu mà đánh giặc đây!” vì không có tre, nói về sự chặt phá rừng. Hay bức tranh vẽ Tấm Cám lội bắt tôm cá trong một cái ao nước đen ngòm, cá chết nổi lềnh bềnh. Hạnh Nguyên cũng hướng dẫn cách làm một đồ vật tái chế, sử dụng hình ảnh nhân vật hoạt hình để học sinh thấy thích thú hơn. Bức tranh vẽ Aladdin (trong câu chuyện Aladdin và cây đèn thần) cưỡi thảm bay phải đeo khẩu trang chống bụi. Bức tranh vẽ các con thú trong bộ phim Madagascar trong lồng nhốt và kêu: “Hãy thả chúng tôi ra”. Tất cả các bức tranh đều thể hiện rõ môi trường đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Mặt sau của bức tranh ghép, Hạnh Nguyên lồng thêm 20 câu chuyện về môi trường do cô viết hoặc dịch từ chuyện nước ngoài. Với kinh phí hơn 11 triệu đồng tự đi xin tài trợ, Hạnh Nguyên đã tổ chức được 4 chương trình trong dịp hè cho các học sinh của các trường tiểu học: Trưng Vương, Lạc Long Quân, Xuân Lộc 1, Sông Cầu 2 của tỉnh Phú Yên và Trường tiểu học Thị trấn Củ Chi, TP.HCM. 

Và Thảm thảo dược

Chia sẻ về ý tưởng Thảm thảo dược của mình, Phan Khương, sinh viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM nói: “Cũng là mảng xanh tại sao không là mảng xanh thảo dược. Vừa bảo vệ môi trường, làm đẹp đô thị mà cũng vừa có công dụng tốt cho sức khỏe. Không những vậy mình còn thấy nhiều bạn trẻ hiện nay không phân biệt được các loại thảo dược, nên đây cũng là một cách giúp bổ sung kiến thức và duy trì lịch sử y học cổ truyền vốn có của nước ta”. Những giống thảo dược Khương trồng trong đó có nhiều loại: tần ô, ngải cứu, đinh lăng, lược vàng, rau má, cỏ ba lá… rất gần gũi trong đời sống mà đôi khi chính chúng ta cũng bỏ qua.

Tuy vậy thật không dễ dàng với một sinh viên học về hành chính lại đi làm về thảo dược. Nhưng chàng trai 22 tuổi này đã khắc phục được “lỗ hổng” đó bằng cách tự nghiên cứu và tìm đến các chuyên gia. Khương đã liên hệ với các giáo sư, thạc sĩ Khoa Sinh học tại Trường ĐH Đà Lạt, ĐH Tây Nguyên để được hướng dẫn thêm. Nhờ ý tưởng hay nên Khương nhận được nhiều đề nghị của các giảng viên tặng thảo dược giúp bạn thực hiện dự án. Ngoài nguồn thảo dược ở Đà Lạt, Phan Khương còn được tài trợ từ vườn thảo dược ở nhà và bạn bè.

Ngoài việc trồng cây, Khương đã cho xuất bản 1.500 cuốn cẩm nang sức khỏe Sống xanh phát cho bà con địa phương. Khương còn tạo 8 mẫu thẻ kẹp sách phát cho các em thiếu nhi, một mặt là thông tin về các loại cây thảo dược, mặt kia là về môi trường, màu sắc rất bắt mắt.