Một cách làm tình nguyện khác

19:37 18/07/2012     2028

3 Phong trào   Đó là cách giúp đỡ người dân của các sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội khi tham gia đội SIFE NEU với những dự án cộng đồng.

Theo như cách nói của bạn Hoàng Hà Mi - phụ trách đối ngoại của đội: “Nếu các tổ, đội tình nguyện khác thường kêu gọi ủng hộ quần áo, sách vở, tiền cho người yếu thế, thì chúng tôi không mang đến những thứ họ cần mà chỉ hướng dẫn họ cách để tạo ra những thứ đó”. Với phương châm như vậy, những dự án hướng tới cộng đồng của SIFE NEU đã mang đến cho người dân vùng sâu vùng xa những cái “cần câu” hằng ngày để giúp họ có thêm những “con cá”.

Kiều Văn Hoàn - Đội trưởng cho biết: “Nhằm mang đến cho người dân những kinh nghiệm làm kinh tế phát triển cuộc sống nên hầu hết những dự án của đội thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Với những dự án này, chúng tôi mang lại cho họ những kinh nghiệm sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để nuôi trồng. Quan trọng nhất là mang lại nghề nghiệp giúp cho người nông dân cải thiện đời sống”.

Với dự án xây dựng mô hình chế biến phân cá tại Văn Giang, Hưng Yên (dưới sự hướng dẫn, cố vấn của các thầy cô Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 và Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội), Hoàn cho biết: “Nhận thấy Văn Giang là vùng có nhiều đầm cá, ao cá, cũng là vùng trồng cây cảnh lớn nhất miền Bắc, nhưng người dân vẫn chưa biết cách chế biến phân cá một cách hợp lý, có lợi cho cây nên đội đã triển khai dự án này. Sau một thời gian, nhận thấy dự án có hiệu quả cao nên nhiều người dân tham gia. Đến nay, dự án đã giúp cho nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập từ nguồn phân cá”. Hoặc dự án Phát triển mô hình nuôi giun quế tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) với sự cố vấn của PGS-TS Vũ Quang Minh - Trung tâm đa dạng sinh học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã giúp cho người nông dân ở đây cải thiện thu nhập từ nghề nuôi giun quế.

a
Cùng các chuyên gia và nông dân kiểm tra chất lượng giun quế tại Sóc Sơn, Hà Nội - Ảnh: SIFE cung cấp

Mới đây nhất là dự án ECO-TASTE với cuộc thi Gia đình hữu cơ được tổ chức tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình có sự tham gia của hàng chục gia đình trẻ. Chương trình hướng tới việc hướng dẫn người nông dân trồng rau sạch và tuyên truyền cho người tiêu dùng, đặc biệt những gia đình trẻ lợi ích của rau sạch đối với bữa cơm gia đình. Đội đã tiếp cận và hướng dẫn họ thay đổi cách thức trồng rau kiểu cổ điển sang một quy trình khép kín, từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm. Sau khi kết thúc dự án, người nông dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm để duy trì nghề nghiệp của mình. Ở khía cạnh môi trường, việc khuyến khích canh tác rau hữu cơ sẽ có tác động tích cực đến môi trường, tránh việc sử dụng chất hóa học.

Kể về những khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án, Trần Lưu Ngọc - thành viên đội cho hay: “Khi bắt tay vào chương trình, những nông dân thường nhìn chúng tôi bằng ánh mắt e ngại. Họ không biết rằng chúng tôi được sự hỗ trợ của các thầy cô giáo đến từ nhiều trường đại học, từ các chuyên gia uy tín trong từng lĩnh vực. Ngoài ra còn có nhiều khó khăn khác, trong đó có vấn đề kinh phí tổ chức”.

Theo Kiều Văn Hoàn, kinh phí tổ chức ban đầu do các thành viên trong đội xin tài trợ từ các doanh nghiệp. Sau đó, những dự án thành công mang đi dự thi và được nhận giải. Tính đến nay, đội đã nhận được khá nhiều giải thưởng trong và ngoài nước từ những hoạt động của mình, như: giải nhất cuộc thi SIFE National Competition of Vietnam 2 năm liên tiếp (2009, 2010) và đại diện cho Việt Nam tham dự SIFE World Cup tại Đức (2009) và Mỹ (2010). Năm 2009, SIFE NEU còn vinh dự được trao giải SIFE Spirit tại Berlin. Những giải thưởng này là nguồn động viên tinh thần và đóng góp phần lớn vật chất chắp cánh cho những dự án hướng đến cộng đồng tiếp theo của đội.

SIFE  là viết tắt của Students In Free Enterprise (SV trong một môi trường kinh doanh tự do) do một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Mỹ thành lập năm 1975. Hiện nay trên thế giới có hơn 57.000 thành viên là sinh viên của 1.600 trường ĐH đến từ 39 quốc gia trên thế giới. Tại VN, có hơn 30 đội đến từ nhiều trường ĐH, trong đó có SIFE NEU.