Những thủ lĩnh đoàn trách nhiệm, gương mẫu

14:49 02/10/2019     603

Thanh niên tình nguyện   Web.ĐTN: Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, bằng sự năng động, nhiệt huyết, xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, những thủ lĩnh đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn là tấm gương sáng trong các phòng trào đoàn, bởi theo họ muốn tập hợp được thanh niên thì trước hết bản thân phải đi đầu, làm trước.

Hoàng Đình Nam: 30 lần hiến máu cứu người, vận động được hơn 1.000 lượt người hiến máu

Theo giới thiệu của Tỉnh đoàn, chúng đến gặp thầy giáo trẻ Hoàng Đình Nam, Trường tiểu học Tứ Yên, huyện Sông Lô – một trong những gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào hiến máu nhân đạo.

Vừa tất bật với công tác chuẩn bị đưa nhóm học sinh về Hà Nội tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ, thầy giáo Vũ Đình Nam vừa cười tươi cho biết: "Tôi có cơ duyên với công tác đoàn. Năm học lớp 8, sau khi được kết nạp đoàn thì được bầu là bí thư chi đoàn; năm 2006 thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc, tham gia phong trào đoàn và được bầu làm Phó bí thư Liên chi đoàn khoa tự nhiên. Với hàng nghìn sinh viên, để khơi dậy tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi cùng BCH Đoàn trường xây dựng và đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường phát động nhiều phong trào thi đua, lôi cuốn sinh viên tham gia, trong đó, nổi bật là phong trào sinh viên tình nguyện và phong trào hiếu máu nhân đạo."

Năm 2006, khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo, Hoàng Đình Nam đăng ký tham gia Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo tỉnh Vĩnh Phúc và nghĩ đơn giản mình là Phó Bí thư liên chi đoàn nên phải tham gia hưởng ứng phong trào để các đoàn viên thanh niên khác tham gia theo, đồng thời cũng muốn hiến máu để biết mình thuộc nhóm máu gì và cảm giác hiến máu như thế nào. Sau buổi hiến máu đó, thấy sức khỏe vẫn bình thường nên Nam tiếp tục tham gia và trở thành tuyên truyền viên tích cực rồi là đội trưởng tuyên truyền viên hiến máu khu vực thành phố Phúc Yên.

Với sự năng động, nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ, trong suốt 3 năm học tại Trường Cao đẳng sư phạm, Nam luôn là tấm gương sáng và là người góp phần khơi dậy các phong trào văn hoá, văn nghệ, hiến máu tình nguyện của các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, anh cũng là thành viên tích cực của Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo tỉnh trong công tác tuyên truyền, nhân rộng phong trào hiến máu tình nguyện đến các bạn đoàn viên, hội viên và tìm kiếm các địa chỉ cần giúp đỡ và sẵn lòng hiến máu đột xuất.

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, cùng với thực hiện tốt công tác giảng dạy, trên cương vị là Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn trường Tiểu học Tứ Yên, thầy Hoàng Đình Nam đã chủ động đề xuất Ban giám hiệu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ, Tết; hỗ trợ đồ dùng học tập, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tổ chức các hoạt động quyên góp, ủng hộ, đến thăm, tặng quà cho trẻ em vùng cao…Đưa Liên Đội trường Tiểu học Tứ Yến trở thành một trong những liên đội mạnh của huyện Sông Lô. Cùng với đó, thầy tiếp tục tuyên truyền, vận động các thầy giáo, cô giáo, các đoàn viên thanh niên trên địa bàn tích cực tham gia hiến máu nhân đạo.  

Thầy Nam cho biết: Đến thời điểm này, tôi có 30 lần hiến máu và đã vận động được trên 1.000 lượt người tham gia hiến máu nhân đạo. Còn niềm vui và hạnh phúc nào bằng khi biết những giọt máu của mình đã đem lại sự sống cho người bệnh và niềm hạnh phúc cho người thân của họ. Tôi đang rất khỏe mạnh và khi nào còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục hiến máu và vận động mọi người tích cực tham gia hiến máu nhân đạo.”- Thầy Nam vui vẻ nói.

Trưởng thành từ phong trào Đoàn và những gì đã cho đi, thầy Hoàng Đình Nam trở thành tấm gương điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện. Năm 2008, Nam vinh dự là 1 trong 3 gương mặt tiên tiến, điển hình phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh tham dự lễ tôn vinh 100 cá nhân tiêu biểu toàn quốc và được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân; năm 2009, anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu nhân đạo giai đoạn 2007-2009. Đặc biệt, năm 2015, Nam được Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng Giấy chứng nhận “tình nguyện viên chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2010 - 2015”; năm 2018, được tặng Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong hoạt động thanh niên, thiếu niên chữ thập đỏ ngoài trường học, giai đoạn 2013 - 2018.

Nguyễn Thị Năm Nhớ: Dốc lòng truyền lửa đam mê Văn học

Không chỉ giỏi chuyên môn, nhiệt huyết, sáng tạo, có tâm, biết truyền lửa, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê văn học của học trò, cô Nguyễn Thị Năm Nhớ, giáo viên ngữ văn, Bí thư Đoàn trường THPT Đồng Đậu, huyện Yên Lạc còn được cho là người “mát tay“ trong công tác đoàn khi khơi dậy, tạo khí thế thi đua sôi nổi, lôi cuốn, thu hút học sinh tham gia.

Có nhiều cơ hội xin việc ở các trường điểm trên địa bàn tỉnh nhưng năm 2009, sau khi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thị Năm Nhớ lại chọn trường THPT Đồng Đậu để giảng dạy, bởi cô muốn đóng góp công sức, khơi dậy niềm đam mê, tạo hứng thú, nâng cao chất lượng dạy vào học ở ngôi trường có chất lượng học sinh đầu vào thấp so với bình quân chung của tỉnh.

Nhớ lại công việc của những ngày đầu về đây, cô Nhớ cho biết: "Việc khơi dậy, tạo hứng thú, nâng cao chất học tập môn Ngữ văn của học sinh trường THPT Đồng Đậu không dễ chút nào, bởi trong xu hướng hiện nay, môn Văn không phải là môn học “thời thượng”, ít có cơ hội xin việc. Đặc biệt, việc chọn học sinh giỏi văn ở trường đã khó, bồi dưỡng học sinh giỏi văn để có kết quả cao lại càng khó hơn. Nhưng với niềm đam mê, nhiệt huyết của một giáo viên dạy văn, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn trăn trở phải tìm nhiều cách để khiến học sinh say mê, yêu thích với môn Văn, tin tưởng vào cô mà theo học".

Với quan niệm “Văn học là nhân học”, bằng sự tận tâm, trách nhiệm của người thầy, cô Nhớ đã truyền cảm hứng văn học cho các học trò, giúp các em hiểu, dẫu môn văn hiện nay không "hot" nhưng lại là phương tiện quan trọng để các em có kỹ năng giao tiếp bài bản khi xin việc sau này. Từ chỗ thu hút học sinh theo học môn văn, qua những giờ giảng, các bài kiểm tra hoặc qua hỏi đáp trực tiếp, cô đã phát hiện năng khiếu của từng học sinh để từ đó có phương pháp bồi dưỡng học sinh. Thay vì phương thức giảng dạy đọc – chép, cô Nhớ đã sử dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực như tổ chức thảo luận nhóm, chia sẻ thông tin, dạy theo các dự án, cho học sinh thảo luận theo các vấn đề. “Với tôi, học sinh có khiếu văn chương là học sinh biết phát hiện vấn đề nhanh nhạy, có khả năng tạo lập văn bản một cách sáng tạo, lời văn tự nhiên, biểu cảm. Bên cạnh những em có đặc điểm đó, tôi chọn tiếp những em ham mê học văn, yêu thích văn chương, có kiến thức cơ bản vững chắc. Đây là tiền đề để các em nắm được kiến thức mở rộng, nâng cao”- cô Nhớ chia sẻ.

Năm học 2015-2016 và năm học 2016-2017, cô Nhớ có 2 học sinh đạt giải Nhất và đây là lần đầu tiên trường THPT Đồng Đậu có học sinh tham gia cuộc thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh đạt giải cao nhất. Đặc biệt, điểm bình quân thi tốt nghiệp môn Văn của trường các năm học gần đây đã tăng lên trên 6 điểm, cao hơn từ 1-1,5 điểm so với trước kia. Riêng các lớp do cô đứng lớp, làm chủ nhiệm có điểm thi tốt nghiệp môn Văn bình quân đạt 7,56 điểm. Trường THPT Đồng Đậu từ nhóm top cuối vươn lên top giữa khối THPT toàn tỉnh về chất lượng giáo dục.

Không chỉ giỏi chuyên môn, khơi dậy hứng thú học môn Ngữ văn cho học sinh, với hơn 10 năm làm Phó bí thư rồi Bí thư Đoàn, cô Nhớ đã tham mưu, đề xuất Ban giám hiệu nhà trường triển khai, phát động nhiều phong trào Đoàn, tạo khí thế, thu hút 100% học sinh tham gia. Theo đó, hằng năm, nhà trường đều phát động các phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ, Tết; tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa; tham gia các chương trình tư vấn, hướng nghiệp; thành lập các câu lạc bộ, tổ nhóm học tập, văn hóa, các chương trình tình nguyện, ủng hộ, tặng quà cho học sinh vùng cao. Đặc biệt, hằng ngày, sau tiết học thứ 2, tất cả học sinh sẽ tập thể dục giữa giờ theo nhịp điệu của bài hát "Việt Nam ơi".

Theo cô Nhớ, việc tổ chức các chương trình ngoại khóa, các câu lạc bộ, chương trình văn hóa, văn nghệ không chỉ tạo sân chơi bổ ích, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, có thêm kiến thức mà còn tạo hứng thú, thắp sáng ước mơ trong học tập cho học sinh. Và với cô Nhớ, phần thưởng và hạnh phúc lớn nhất của người giáo viên không phải là ở những tấm Bằng khen, giấy khen mà là mỗi ngày nhìn thấy những lứa học trò mình đào tạo trưởng thành hơn, thành công trong sự nghiệp và có nhiều đóng góp cho xã hội.

Trần Phi Long – người thủ lĩnh nhiệt huyết, trách nhiệm

Được nghe kể về anh Trần Phi Long, Phó Bí thư Đoàn Khối các doanh nghiệp tỉnh, Bí thư Đoàn Công ty cổ phần Prime Group nhiều lần nhưng khi tiếp xúc, trò chuyện cùng anh, chúng tôi thán phục hơn tinh thần, trách nhiệm, sự nhiệt huyết của người thủ lĩnh đoàn này.

Là người năng động, sáng tạo, ngay sau khi về làm việc tại Công ty cổ phần Prime Group, Trần Phi Long đã được tín nhiệm bàu làm Bí thư đoàn. Với đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng và có hơn 4.000 đoàn viên, thanh viên ở các công ty thành viên, để lôi cuốn, thu hút thanh niên tham gia các phong trào đoàn, Long đã dành nhiều thời gian nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đoàn viên thanh niên. Từ đó, xây dựng, tham mưu Ban giám đốc Công ty phát động các phong trào thi đua, tạo sự gắn kết giữa các đoàn viên trong các công ty thành viên.

Đặc biệt, để phát huy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, Trần Phi Long đã phát động và duy trì hiệu quả phong trào nghiên cứu khoa học và sáng tạo trẻ, góp phần đưa Đoàn thanh niên Công ty Cổ phần Prime Group trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo. Cụ thể, Đoàn thanh niên công ty đã có hơn 300 sáng kiến khoa học của thanh niên được áp dụng  vào thực tiễn; nhiều sáng kiến đạt giải thưởng cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc. Riêng bản thân anh đã có các đề tài nghiên cứu khoa học mang hiệu quả cao như: Đề tài chế tạo máy ép bột Oxit kẽm bằng quả lô và đề tài chế tạo hệ thống xử lý khí thải lò nung frit; Đề tài cải tiến hệ thống dỡ tải đầu ra máy ép gạch Sacmi.

Theo anh Long, trên thực tế, công tác Đoàn tại các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn do hoạt động Đoàn phải phục vụ và mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, tất cả lực lượng thanh niên đều tham gia làm việc ca kíp nên không thể tập hợp đầy đủ cùng lúc và tất cả cán bộ Đoàn trong công ty đều làm việc kiêm nhiệm. Do đó, để lôi cuốn, tạo khí thế thi đua sôi nổi, anh đã đề Ban giám đốc đẩy mạnh 3 phong trào lớn trong đoàn thanh niên Công ty là: Phong trào sáng tạo trẻ; phong trào nâng cao tay nghề và phong trào đẩy lùi tai nạn, bảo vệ môi trường bằng vườn cây, hàng cây thanh niên. Đồng thời, tạo ra các sân chơi cho thanh niên công nhân, người lao động như: Tổ chức các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; quan tâm, chăm sóc thanh niên công nhân bằng các hình thức phù hợp như tổ chức đám cưới tập thể; các hoạt động thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ nhân dịp 27/7; tặng quà cho các gia đình đoàn viên thanh niên thuộc gia đình đối tượng chính sách; quyên góp xây dựng “Quỹ vòng tay nhân ái”...

Với việc duy trì tốt các phong trào này, nhiều năm qua, Đoàn thành niên Công ty cổ phần Prime Group luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua, có nhiều đóng góp tích cho công tác an sinh, xã hội. Đặc biệt, với sự nhiệt huyết và có nhiều đóng góp cho công tác đoàn, anh Trần Phi Long được các Bộ, ngành và UBND tỉnh khen thưởng; được tặng danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác", "Tài năng trẻ Việt Nam", "Công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc"; "Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc". Đặc biệt, anh còn vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Nga