Rác thải nguy hại từ đầu mẩu thuốc lá

15:14 15/10/2020     3032

Nhịp sống trẻ   ĐTN: Đầu mẩu thuốc lá là loại rác có hại bởi chúng bị nhiễm tới 4.000 chất hóa học, trong đó nhiều chất có độc tính cao.

Ngoài các chất hóa học vốn có ở các đầu mẩu thuốc lá đã được hút còn phải nói đến danh sách các chất hóa học có độc tính cao ngấm vào cây và sợi thuốc lá khi trồng và chế biến như thuốc trừ sâu, vinyl clorua, cadmium, acetone, formaldehyde, benzene, hydrogen cyanide... Kể cả khi bộ lọc thuốc lá còn nguyên sơ nhất thì chúng cũng vẫn được làm bằng các sợi hóa học axetat và xenluloza, bao phủ bởi giấy hay sợi nhân tạo và được xử lý bằng keo, muối và hóa chất khác.

Đầu mẩu thuốc lá được cấu tạo một phần bởi chất Cellulose-acetate là một chất nhựa khó phân hủy một cách tự nhiên, có chứa các hóa chất độc như cadmium, asen và chì. Trong quá trình hút thuốc, các chất này được giữ lại ở đầu lọc thuốc lá. Khi đầu mẩu thuốc lá bị bỏ đi, gió và mưa đưa chúng đến với các hệ thống nước. Các hóa chất độc hại có trong đầu mẩu thuốc lá sẽ ngấm vào hệ sinh thái thủy sinh, hòa cùng nguồn nước của đại dương, đe dọa đến chất lượng nước và sinh vật biển. Các đầu mẩu thuốc lá rải rác khắp nơi là “nguy cơ đe dọa sự sống các loài thủy sinh”. Tiếp xúc lâu dài với lượng dư các hóa chất độc từ đầu mẩu thuốc lá sẽ gây ra độc tố tập trung vào từng loài cá và độc tố càng tập trung khi cá lớn nuốt cá bé cùng với sự vận chuyển các hóa chất theo chuỗi thức ăn.

Hơn nữa, các đầu mẩu thuốc lá được làm bằng chất dẻo xenlulo axetat, khi hoạt động thì chất này giống như một ống dẫn có tác dụng dẫn kim loại vào cơ thể các động vật biển. Công trình nghiên cứu cho thấy, các đầu mẩu thuốc lá có thể hoạt động như một phương tiện truyền dẫn kim loại và khi những đầu mẩu thuốc lá này phân hủy có thể ảnh hưởng đến các sinh vật biển.