Thủ khoa của nghị lực

10:07 06/11/2019     5946

Nhịp sống trẻ   Hai nữ thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp năm 2019, Nguyễn Thị Hồng (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) và Vũ Thị Khánh Chi (ĐH Xây dựng) được gọi là thủ khoa của nghị lực khi đã vượt qua giới hạn của bản thân thực hiện ước mơ của mình.

Nguyễn Thị Hồng có ước mơ trở thành một nhân viên công tác xã hội Ảnh: NVCC

 

Vượt qua bóng tối

Nguyễn Thị Hồng, thủ khoa ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn không có được đôi mắt sáng như bạn bè cùng trang lứa. Hồng sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng năm 14 tuổi, một vụ tai nạn khiến Hồng bị vỡ nhãn cầu, tê liệt dây thần kinh. Đôi mắt cứ thế mờ. Bố mẹ chạy vạy, gõ cửa khắp nơi chữa bệnh cho con nhưng không thể cứu vãn đôi mắt của em.

Suốt 3 năm đầu sống trong bóng tối, Hồng tự nhốt mình trong 4 bức tường, làm bạn với chiếc radio. Tình cờ, Hồng nghe được câu chuyện về một người đàn ông bị liệt toàn thân, chỉ có đầu và một chân cử động được nhưng vẫn ngồi xe lăn, đi bán vé số dạo và suốt ngày cười nói, hát ca.

Khi được hỏi tại sao có thể luôn vui vẻ như thế, ông ấy trả lời: Nếu như tôi khóc mà có thể tốt hơn thì tôi sẽ khóc. Còn nếu tôi khóc mà không thể thay đổi được điều gì thì tại sao tôi không cười. “Nghe câu nói của người đàn ông đó, tôi dường như bừng tỉnh, như có một luồng sinh khí vực tôi đứng dậy. Tôi không cho phép mình đau khổ nữa mà phải quay trở lại với cuộc sống tươi đẹp”, Hồng chia sẻ.

Hồng tìm đến trường Nguyễn Đình Chiểu với quyết tâm đi học trở lại. Tuy nhiên, thời điểm ấy trường Nguyễn Đình Chiểu chỉ nhận người nhiều nhất 16 tuổi, trong khi, lúc đó, Hồng đã 20 tuổi. Không nản lòng, Hồng nhờ bố mẹ xin vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố để học những ngày cuối tuần. Thời gian còn lại, em tranh thủ làm xoa bóp, bấm huyệt; đồng thời, tham gia vào các hoạt động xã hội của một tổ chức phi chính phủ.

Trong quá trình đi làm, Hồng nhận thấy, người khuyết tật rất cần sự hỗ trợ nhưng không biết tìm ở đâu; trong khi đó, nhiều tổ chức, cá nhân muốn giúp đỡ người khuyết tật nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Từ thực tế đó, năm 2015, Hồng đăng ký xét tuyển vào ngành Công tác xã hội của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, với mục tiêu sau này làm cầu nối kết nối người khuyết tật với các tổ chức nhằm tiếp sức cho những người kém may mắn.

Với mục tiêu đó, Nguyễn Thị Hồng đã nỗ lực học tập không ngừng nghỉ. Bên cạnh việc chăm chú nghe thầy cô giảng, Hồng ghi âm lại bài giảng ở lớp rồi về nhà nghe lại, tham khảo các tài liệu trên mạng.

Nữ sinh khiếm thị Nguyễn Thị Hồng đã làm được điều phi thường, đó là hoàn thành chương trình đại học chỉ mất 3,5 năm và xuất sắc giành danh hiệu thủ khoa trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Hiện Hồng đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào các tổ chức phi chính phủ để thực hiện ước mơ là một nhân viên công tác xã hội giỏi, hỗ trợ những người không may mắn trong cuộc sống.  

Sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào công việc

Học ở ngôi trường và ngành học được xem là thế mạnh của nam nhi nhưng Vũ Thị Khánh Chi (SN 1995, nữ sinh khoa Công nghệ thông tin, ĐH Xây dựng) có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học khiến bạn bè nể phục.

Ngoài kết quả học tập xuất sắc, với việc 5 năm liền đạt học bổng của nhà trường, điểm học tập toàn khóa 3,72/4.0, nữ lớp trưởng Vũ Thị Khánh Chi còn có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Một số đề tài nghiên cứu khoa học của em được ứng dụng thực tế. Trong đó, có hai đề tài ứng dụng công nghệ, gồm: “Sử dụng công nghệ big-data để phân tích dữ liệu nhân sự của nhà máy” và “Xây dựng từ điển Việt - Anh, Anh - Việt sử dụng nhận dạng tiếng nói”.

Chi chia sẻ, trong thời đại công nghệ số, ứng dụng các công nghệ mới vào công việc là xu hướng tất yếu. Vì vậy, là một sinh viên công nghệ, Chi luôn mày mò nghiên cứu các giải pháp công nghệ ứng dụng vào công việc hàng ngày để góp phần tiết kiệm thời gian, tăng năng suất, hiệu quả công việc.

Chi cho biết, việc quản lý, tính lương cho nhân viên đối với những công ty, doanh nghiệp có số lượng nhân viên đông lên đến hàng nghìn người, nếu làm theo cách truyền thống rất tốn công, tốn sức nhưng với công nghệ big - data xử lý các khối dữ liệu lớn một cách nhanh chóng, không gây tốn thời gian và công sức.

 

Vũ Thị Khánh Chi hiện là nhân viên lập trình tại Công ty Gameloft Việt Nam

 

Đề tài nghiên cứu từ điển Việt - Anh, Anh - Việt sử dụng nhận dạng tiếng nói là một nghiên cứu thú vị của Khánh Chi. Không giống những cuốn sách từ điển dày cộp toàn chữ, từ điển Việt - Anh, Anh - Việt sử dụng nhận dạng tiếng nói của Chi giúp các bạn trẻ trau dồi, cải thiện, phát triển các kỹ năng về tiếng Anh, cả về ngữ pháp lẫn giao tiếp. Không những vậy, từ điển bằng giọng nói còn giúp học sinh, sinh viên sử dụng như công cụ luyện phát âm một cách chính xác và hiệu quả.

Không những thế, Chi còn tham gia nhiều hoạt động Đoàn - Hội nhà trường, như: Giọt hồng Xây dựng, Chủ nhật đỏ, Tiếp sức mùa thi, biểu diễn văn nghệ, tình nguyện vì môi trường… Bên cạnh đó, Chi còn tham gia chương trình trao đổi Sakura tại Nhật Bản. Đây là hoạt động được tổ chức bởi JST (Japan Science and Technology Agency) dành cho các bạn trẻ châu Á quan tâm đến khoa học và công nghệ.

Năm 2018, Chi được tham gia chương trình tại trường đại học Fukuyama (Nhật Bản), tham quan các công ty lớn về công nghệ ở Hiroshima như: SoftBank, Sharp, Mazda… Đây chính là động lực để cô gái cố gắng phát triển bản thân hơn.

Với những thành tích xuất sắc tháng 1/2019, Chi vinh dự được kết nạp Đảng. Hiện Chi là nhân viên lập trình tại Công ty Gameloft Việt Nam, chi nhánh Hà Nội. Đối với Chi, thành công đơn giản là khi có thể lo cho bản thân, luôn biết vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

 

Nguồn TPO-BA