Đối thoại trực tuyến “Khát vọng thanh niên Việt Nam”

11:11 25/03/2020     2246

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Sáng mai (26/3), Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn sẽ đối thoại trực tuyến với đoàn viên thanh niên (ĐVTN) cả nước về chủ đề “Khát vọng thanh niên Việt Nam”. Chương trình được tường thuật trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ và livestream tại các fanpage: Cổng thông tin T.Ư Đoàn, báo Tiền Phong, báo Thanh niên, Trung tâm Truyền hình thanh niên.

Trước thềm buổi đối thoại, nhiều cán bộ đoàn, ĐVTN tiêu biểu, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, du học sinh ... đã bày tỏ ý kiến đóng góp, chia sẻ mong muốn với Thủ lĩnh thanh niên cả nước. Ở họ đều có điểm chung là mong muốn có một môi trường để trải nghiệm, làm việc và cống hiến.

 

 

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Tôi đang ở Paris, Pháp. Ở đây, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Chính phủ Pháp đã ban hành lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid -19. Dù vậy, điều đó, không làm giảm sự quan tâm của sinh viên Việt Nam tại Pháp đối với cuộc đối thoại “Khát vọng thanh niên Việt Nam” của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn vào ngày 26/3 tới.

Du học sinh chúng tôi muốn gửi gắm đến buổi đối thoại nguyện vọng: T.Ư Đoàn có biện pháp cụ thể gì để thu hút lực lượng thanh niên, sinh viên ngoài nước có trình độ chuyên môn cao? Thông qua T.Ư Đoàn, các bạn có thể được giới thiệu vào các cơ quan nhà nước, các công ty ở Việt Nam, các công ty nước ngoài đang tại Việt Nam?

 

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Linh, Chủ tịch Hội SVVN tại Pháp

 

Tôi có cơ hội được làm việc và gặp gỡ rất nhiều các bạn thanh niên, sinh viên ở ngoài nước, rất nhiều trong số đó có nguyện vọng được trở về Việt Nam đóng góp cho Tổ quốc, nhưng hiện nay chưa được tiếp cận với nguồn thông tin cần thiết. Theo số liệu của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), hiện có hơn 170 nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Ở trong một thế giới phẳng thì trình độ giáo dục của Việt Nam đang từng bước bắt kịp với trình độ giáo dục của thế giới. Nhưng lực lượng thanh niên, sinh viên ở nước ngoài đang có lợi thế hơn nhiều khi hằng ngày được tiếp cận, nghiên cứu những công nghệ tiên tiến mà ở Việt Nam chưa có. Chúng ta phải tranh thủ nguồn trí thức chất lượng cao này để đóng góp và xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ðưa Việt Nam lên bản đồ khởi nghiệp thế giới

 

Lê Anh Tiến, CEO Chatbot Việt Nam, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019

 

Là một startup trẻ, tôi xác định con đường khởi nghiệp của bản thân mình vẫn còn nhiều chông gai cần phải vượt qua. Tôi mong muốn có thể đưa khởi nghiệp Việt Nam lên bản đồ khởi nghiệp thế giới, giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể chú ý đến các startup ở Việt Nam nhiều hơn. Lúc đó sẽ tạo ra rất nhiều điều kiện cho các startup ở Việt Nam đón được nhiều làn sóng đầu tư từ nước ngoài.

Ngoài ra, tôi muốn tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng thông qua việc truyền cảm hứng của mình vào các sản phẩm, vào doanh nghiệp. Cụ thể, trong giai đoạn dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, tôi muốn cống hiến công nghệ mà doanh nghiệp tôi đã xây dựng để chung tay cùng Chính phủ, đất nước chống lại dịch, bệnh, thông qua việc triển khai đồng loạt hệ thống chatbot theo dõi Covid -19 khắp các tỉnh, thành. Chatbot cập nhật liên tục 4 nhóm thông tin giúp người dân có được thông tin đầy đủ, nhanh nhất về tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, từ đó có ý thức phòng chống dịch.

Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, vì vậy, mỗi bạn trẻ phải có lý tưởng đúng đắn, cần có khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường. Để làm được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, chăm lo của xã hội, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ phía T.Ư Đoàn, bồi dưỡng thêm lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin của thanh niên trong thời đại mới với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Ðẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”

Nguyễn Hoàng Sơn, Bí thư Chi đoàn 11A1- Trường THPT Gia Phù,Sơn La; Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020

 

Tôi đang là học sinh cấp 3, ở một ngôi trường miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng tôi có niềm đam mê đặc biệt với nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ. Khi tìm tòi được cái mới và tự tay tạo ra được những sản phẩm như mong đợi của mình, được người khác ghi nhận là niềm hạnh phúc vô bờ.

Hiện tôi sở hữu tổng cộng 10 sản phẩm lớn đó là các phần mềm, website, robot phục vụ học, chơi, chữa bệnh… Các sản phẩm đều đạt được các giải thưởng cao ở các cuộc thi về sáng tạo khoa học kỹ thuật. Từ câu chuyện của bản thân, tôi nhận thấy, bạn trẻ Việt Nam rất chịu khó và khả năng sáng tạo rất lớn. Điều quan trọng là các bạn cần có môi trường để được khơi gợi, phát huy và thể hiện, đưa những ý tưởng, sáng kiến thành hiện thực.

Qua cuộc đối thoại với Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, tôi mong rằng T.Ư Đoàn sẽ tạo thêm nhiều môi trường, nhiều không gian để nuôi dưỡng, phát huy các ý tưởng, sáng kiến của bạn trẻ. Đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có nhiều phương thức tiếp cận đến gần hơn bạn trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Bên cạnh đó là tổ chức các buổi giao lưu truyền cảm hứng cho học sinh. Qua những buổi giao lưu đó, học sinh sẽ dễ tiếp nhận các vấn đề cũng như cảm hứng về lĩnh vực mà họ quan tâm.

“Trường học xã hội chủ nghĩa” cho thanh niên

 

Nguyễn Thị Hồng Cúc, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Xây dựng miền Tây, Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020

 

Bản thân là một cán bộ Đoàn vinh dự nhận được Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020, tôi càng ý thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong việc góp phần thể hiện khát vọng của Thanh niên Việt Nam. Tôi sẽ tiếp tục làm tốt vai trò của một cán bộ Đoàn, tự xây dựng cho mình thành một tấm gương tốt trong học tập và hoạt động, tích cực và gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của Đoàn. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng và hỗ trợ thế hệ thanh niên kế cận để tạo nguồn lực dồi dào cho tổ chức Đoàn tại cơ sở, bởi lẽ công tác cán bộ luôn là công tác sống còn của tổ chức. Tôi luôn có một niềm tin vào tổ chức Đoàn của chúng ta, với những thế hệ mới ngày càng vững vàng về kiến thức, có bản lĩnh chính trị, sự sáng tạo, khả năng hội nhập và những khát khao của tuổi trẻ sẽ trở thành một tổ chức ngày càng vững mạnh.
Khát vọng thanh niên - ảnh 1  

Với buổi đối thoại với Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, các cấp bộ Đoàn hãy đẩy mạnh truyền thông, chia sẻ đường link để các bạn ĐVTN tại các cơ sở Đoàn có cơ hội gửi những ý kiến, phản hồi, cũng như theo dõi chương trình. Mỗi chia sẻ, cũng như góp ý của các bạn ĐVTN sẽ là những gợi ý, định hướng cho chương trình công tác sắp tới. Hy vọng qua chương trình đối thoại sẽ giải đáp được những thắc mắc của các bạn ĐVTN cũng như hiện thực hóa những nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của ĐVTN để Đoàn thật sự là “trường học xã hội chủ nghĩa” cho thanh niên.

Cơ chế giải quyết việc làm, học nghề cho thanh niên

Tôi là Bí thư Đoàn phường, đồng thời là Chủ nhiệm CLB thanh niên phát triển kinh tế ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Thực tế hoạt động Đoàn ở cơ sở có nhiều khó khăn trong đoàn kết, tập hợp thanh niên cũng như triển khai các phong trào hoạt động do ĐVTN thường đi làm ăn xa. Xác định là khó khăn nên chúng tôi nỗ lực thay đổi hình thức hoạt động, nội dung làm sao thiết thực, gần gũi thu hút các bạn trẻ tham gia.

 

Nguyễn Đức Vũ, Bí thư Đoàn phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnhLạng Sơn

 

Qua thực tế hoạt động, tôi thấy một trong những vấn đề ĐVTN ở cơ sở quan tâm là nguồn vốn vay cho thanh niên cũng như đào tạo nghề giải quyết việc làm. Hiện nguồn vốn vay 120 của T.Ư Đoàn dành cho thanh niên với điều kiện đòi hỏi thanh niên phải có tài sản thế chấp, trong khi các bạn ĐVTN tuổi đời còn trẻ, gần như không có tài sản gì giá trị để thế chấp. Vì vậy, nhiều bạn ĐVTN muốn vay nguồn vốn này để khởi nghiệp lập nghiệp cũng rất khó. Qua chương trình đối thoại, tôi mong Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn quan tâm làm sao đề xuất được cơ chế, chính sách phù hợp cho bạn trẻ tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, đào tạo nghề cũng là việc làm rất thiết thực hiện nay. Giờ phần lớn bạn trẻ ở nông thôn, miền núi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, đến độ tuổi nhất định họ sẽ bị đào thải mà không có tay nghề trong tay. Vì vậy, tôi mong có được cơ chế đào tạo nghề cho bạn trẻ, trong đó có cơ chế đào tạo nghề thuận lợi cho doanh nghiệp cùng chung tay dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Được học nghề, có chứng chỉ nghề trong tay, bạn trẻ sẽ làm chủ được tương lai của mình.

Theo Tiền Phong