Các nghệ nhân nổi tiếng hào hứng “truyền lửa” để người trẻ bảo tồn văn hóa

09:00 16/11/2020     5467

3 Chương trình   Web.ĐTN: Những ngày qua, thế hệ trẻ Bình Phước cùng nghệ nhân hát ru Cao Minh Hiền, cô giáo - nghệ nhân ẩm thực Huế Hoàng Thị Ngọc Thương cùng Nhóm Mekongaholics (TP. HCM) đã tổ chức chuỗi hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy, những hoạt động này hướng đến kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và lan tỏa những thông điệp về vai trò, trách nhiệm của lớp trẻ trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy hồn cốt văn hóa Việt Nam.

Truyền động lực gìn giữ các điệu hát ru

Khởi đầu là Diễn đàn “Teen làm gì để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt?” tại trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài) vào đầu tuần; qua đó, hơn 850 giáo viên, học sinh đã giao lưu với các nữ nghệ nhân, anh Phan Tuấn Quốc - Trưởng nhóm Mekongaholics (Nhóm Nghiên cứu văn hóa cộng đồng Việt Nam - ASEAN) và Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Quốc Duy.

Cô giáo - nghệ nhân ẩm thực Huế của Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam Hoàng Thị Ngọc Thương (áo xanh) kể những câu chuyện về văn hóa ẩm thực Việt Nam xưa và nay, qua đó động viên các bạn trẻ cần bảo tồn các nét đẹp của ẩm thực Việt Nam

 

Với biệt tài hát ru bằng 5 ngôn ngữ các dân tộc Thái, Cao Lan, Mông, Tày và Kinh, nghệ nhân Cao Minh Hiền đã bắt đầu góp phần giữ gìn, phát huy cái hay, cái đẹp trong từng điệu hát ru các dân tộc từ năm 1997. Hiện bà đang tìm hiểu thêm một số ngôn ngữ các dân tộc khác để sớm có thể hát ru với 9 ngôn ngữ.

Theo nữ nghệ nhân, điệu hát ru từ thời ông bà truyền cho cha mẹ, từ cha mẹ truyền sang con cháu, từ đời này qua đời khác là những yếu tố văn hóa mang tính cội nguồn cần được trân quý. Bà đã “nghiện” những lời ru êm dịu từ khi còn nhỏ vì những vần thơ, lời răn nhẹ nhàng, dễ hiểu lồng trong đó đã đưa bà vào giấc ngủ từ lúc còn năm nôi. khác nhau.

Qua phần biểu diễn điệu hát ru bằng các ngôn ngữ và những lời kể của nữ nghệ nhân  về những chuyến đi ở các tỉnh phía Bắc để tiếp xúc, giao lưu, biểu diễn hát ru, sưu tầm, ghi lại những làm điệu hát ru của các địa phương..., các bạn trẻ đã ý thức hơn về vai trò của mình trong việc kế tục, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Gửi trao thông điệp về việc ăn, việc uống

Cô giáo - nghệ nhân ẩm thực Huế của Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam Hoàng Thị Ngọc Thương (con gái nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) chia sẻ rằng nét đặc trưng, tiêu biểu của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia được thể hiện qua ẩm thực truyền thống với những phong tục, phép tắc ăn uống của mỗi người…

Hiện nay, văn hóa ẩm thực Việt trở nên lai tạp, hỗn độn, nhiều tinh hoa ẩm thực bị biến dạng. Sự xuất hiện của các loại thức ăn nhanh, đồ ăn vặt hàng quán… tác động tiêu cực đến bản sắc ẩm thực truyền thống... Qua việc kể chuyện thời xưa và thời nay, nữ nghệ nhân đã  “mở đường” cho giới trẻ về việc ăn sạch - uống sạch và lối sống tốt cho sức khỏe; nguyên tắc ứng xử phù hợp trong bữa cơm, trên bàn tiệc hiện nay; cách lưu giữ những nét đẹp của văn hóa ẩm thực Việt...

Chỉ rõ “mối nối” giữa rối và học đường

Cùng tham dự Diễn đàn, anh Phan Tuấn Quốc - Trưởng Nhóm Mekongaholics chia sẻ trước đây, khi làm ở lĩnh vực biên - phiên dịch, anh được tiếp cận với khái niệm “kể chuyện tương tác” ứng dụng trong giải quyết xung đột phát triển cộng đồng từ Dự án “Thanh niên, Văn hóa và Sự phát triển” của SEAMEO SPAFA (Trung tâm Khảo cổ học và Mỹ thuật Đông Nam Á).

Từ đó, anh Quốc bắt đầu tìm hiểu về múa rối, tham gia các hoạt động liên quan đến múa rối trong và ngoài nước và nhận thấy múa rối có thể phục vụ cho giáo dục sáng tạo STEM/ STEAM, giáo dục cảm xúc, giáo dục ngôn ngữ và nhiều kỹ năng khác liên quan đến văn hóa cộng đồng.

Không khí đầy sôi động của Diễn đàn “Teen làm gì để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt?” gây ấn tượng mạnh và truyền cảm hứng cho các teen THPT chuyên Quang Trung

 

Ngoài ra, Nhóm Mekongaholics (Nhóm Nghiên cứu văn hóa cộng đồng Việt Nam – ASEAN đã tập huấn chuyên sâu cho các giáo viên Trung tâm Anh ngữ quốc tế Úc Châu để có thể tạo hình các con rối sống động từ vật liệu tái chế, ứng dụng trong giảng dạy và góp phần bảo vệ môi trường.

Tạo động lực gìn giữ nghề truyền thống

Trong chuyến đi này, nghệ nhân Cao Minh Hiền cùng các bạn trẻ Bình Phước đến thăm, tặng quà và động viên bà Thị Pia 72 tuổi (người dân tộc S’tiêng) ngụ tại tổ 3, Sóc Tranh 3, xã Quang Minh, huyện Chơn Thành thuộc nhóm những người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang cố gắng duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương dù đầu ra của các sản phẩm thổ cẩm rất hạn chế.

Động viên bà Pia và một số người trong nhóm, nghệ nhân Cao Minh Hiền nói: “Thổ cẩm rất đẹp, rất quý. Dù nhiều khó khăn nhưng mong mọi người gắng tiếp tục dệt và khuyến khích những người thân cùng làm để mọi người không quên nghề dệt truyến thống này.”

Được biết, bà Pia có hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc. Hiện tại, bà thỉnh thoảng dệt thổ cẩm để tạo nên những chiếc mền, váy cho nữ giới và khố, áo cho nam giới để dùng trong các lễ hội, làm quà tặng hoặc trong việc cưới, việc tang...

Dịp này, nghệ nhân Cao Minh Hiền đã đến một ngôi nhà gần đó, thăm, tặng quà cụ bà người dân tộc S’tiêng Thị Ếch 80 tuổi, bị tai nạn nên vỡ xương chậu, liệt hai chân, điếc nặng và rất nghèo khó.

Tiếp lửa cho các đồn, chốt chặn dịch

Nhằm lan tỏa lòng yêu nước và ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc đến những anh lính trẻ, nghệ nhân Cao Minh Hiền đã cùng thanh niên Bình Phước thăm các đồn, chốt biên phòng đang “căng mình” ngăn dịch. Ở mỗi nơi đến, nữ nghệ nhân đã cất cao tiếng hát và kể chuyện về những chuyến đi để bảo tồn lời hát ru của dân tộc, qua đó góp phần tạo động lực để các lực lượng trực chiến chống dịch tiếp tục “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn rừng ngủ lán” nơi rừng sâu để quyết tâm chặn dịch.

“Cô Hiền đã 70 tuổi mà vẫn vượt đường xa, đến tận chốt để thăm chiến sĩ. Chúng em thực sự cảm động lắm và hứa với cô sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chống dịch dù có vất vả đến đâu...”, chiến sĩ Nguyễn Tuấn Tú - chốt phòng dịch số 2 thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh xúc động chia sẻ./.

 

Thắng Trân