Yên Bái: Mô hình xây dựng thôn, bản văn hóa thanh niên gắn với phát triển du lịch cộng đồng

08:48 12/07/2021     7287

3 Chương trình   ĐTN: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái đã triển khai xây dựng mô hình “Thôn (bản) văn hóa thanh niên gắn với phát triển du lịch cộng đồng” nhằm phát huy những tiềm năng để phát triển du lịch, tiếp tục duy trì những nét đẹp vốn có của thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, con người.

Yên Bái là tỉnh nằm trong khu vực miền núi Tây Bắc Việt Nam, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 6.900 km2, dân số trên 76 vạn người với 30 dân tộc cùng chung sống. Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ, Yên Bái đặc biệt được đánh giá là địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch và thực sự trở thành “điểm đến” vô cùng lý tưởng, hấp dẫn đối với khách du lịch thập phương.

 

 

Sự đa dạng về thiên nhiên kết hợp với truyền thống văn hóa lâu đời đã tạo nên cho tỉnh lợi thế trong phát triển du lịch đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Yên Bái được biết đến với các địa danh như: Hồ Thác Bà, đầm Vân Hội, vùng văn hóa Mường Lò đặc trưng dân tộc Thái, danh thắng cấp Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đèo Khau Phạ, Suối nước nóng Trạm Tấu… đều là những danh thắng với cảnh quan đẹp tuyệt vời với nhiều nét hoang sơ, hùng vĩ sẵn sàng làm “say lòng” những khách bộ hành có dịp dừng chân tại đây thăm quan.

Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng, Yên Bái còn tự hào có một kho tàng tài nguyên du lịch nhân văn với 86 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 746 di sản phi vật thể và gần 574 di sản vật thể. Những di tích tiêu biểu có giá trị vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay như: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Yên Bái, và thị xã Nghĩa Lộ, Khu di tích lịch sử lăng mộ Nguyễn Thái Học, Quần thể di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại, Khu di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ, Di tích bến  u Lâu, Đèo Lũng Lô…

Bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh có 03 làng nghề truyền thống: Làng rọ tôm Phúc An, làng miến đao Giới Phiên, làng chè Bát Tiên Bảo Hưng cùng với nhiều làng nghề khác thu hút được sự quan tâm của Du khách thập phương như: Chợ Đá quý Lục Yên và Yên Bình, sản xuất Đá Mỹ nghệ ở Văn Chấn, sản xuất các chế phẩm về quế sẽ là những điểm sáng níu chân du khách…

Nhận thức rõ những lợi thế ấy cùng với định hướng theo Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 18/12/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai xây dựng mô hình “Thôn (bản) văn hóa thanh niên gắn với phát triển du lịch cộng đồng” nhằm phát huy những tiềm năng để phát triển du lịch, tiếp tục duy trì những nét đẹp vốn có của thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, con người để từng bước xây dựng Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

Vấn đề phát triển du lịch với các mô hình du lịch cộng đồng không mới, hàng năm đã có hàng chục, hàng trăm đoàn viên thanh niên cũng như người dân đăng ký kinh doanh và đưa vào hoạt động tập trung nhiều ở các khu vực miền Tây của tỉnh cũng như khu vực Hồ Thác Bà. Có thể kể đến tiêu biểu như: mô hình Du lịch cộng đồng của đoàn viên Lường Văn Bình, Lò Thị Nga xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, mô hình gia đình đoàn viên Lý Thị Sam Sung xã Vũ Linh huyện Yên Bình, mô hình Du lịch cộng đồng "Hello Mù Cang Chải" của đoàn viên Giàng A Dê...hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên đó chỉ là phát triển kinh tế đơn thuần, chưa thúc đẩy du lịch trên diện rộng, phụ thuộc vào thế mạnh về cảnh quan, văn hóa ẩm thực để du khách trải nghiệm, tham quan là chính.

Du lịch là một ngành “Công nghiệp không khói”, bản chất của nó đem lại lợi ích kinh tế vô cùng to lớn nếu biết tận dụng các thế mạnh của thiên nhiên, con người để phát triển mạnh mẽ. Ở Yên Bái, thế mạnh về thiên nhiên đã thể hiện rất rõ, vấn đề cần giải quyết là về mặt con người.

Chính vì vậy, tổ chức Đoàn đã bắt tay vào việc xây dựng thôn (bản) văn hóa thanh niên gắn với phát triển Du lịch cộng đồng. Đặt thanh niên làm mục tiêu chính để xây dựng con người văn hóa, văn hóa từ lời nói, từ hành động để tạo nên một hình ảnh đẹp về con người Yên Bái thân thiện, mến khách nhằm tạo thiện cảm tốt với du khách thập phương. Chúng ta đã từng nghe đến Đà Nẵng là thiên đường của Du lịch nơi không có những người ăn xin làm phiền du khách, nơi tỷ lệ tội phạm gần như không có, không có nạn chèo kéo khách, tăng giá dịch vụ vô lý ở các điểm du lịch, nơi mà mỗi người dân đều túc trực sẵn một nụ cười hài hòa, thái độ mến khách, sẵn sàng chỉ đường, dẫn đường, giới thiệu về quê hương, các điểm du lịch, văn hóa của địa phương…những điều ấy đã tạo nên một Đà Nẵng có bản sắc rất riêng và tỷ lệ thu hút khách du lịch ở mức cao nhất cả nước. Đây, chúng ta đang học tập những địa phương đi đầu về Du lịch ở khía cạnh con người; tuy nhiên không rập khuôn, máy móc mà linh hoạt, từng bước xây dựng hình ảnh con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Có thể nhanh chóng thực hiện được điều ấy, Đoàn thanh niên cần phải đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động thanh niên trong việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; xây dựng, hoàn thiện các mô hình kiểu mẫu về các chi đoàn Ba không, Bốn không, Năm không. Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường bằng việc xây dựng và duy trì các mô hình con đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, tích cực trồng cây xanh tạo bóng mát, cải tạo cảnh quan, nhanh chóng thực hiện các hạng mục xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn có thế mạnh về Du lịch như triển khai các công trình thắp sáng đường quê, xây dựng tu sửa hệ thống đường giao thông nông thôn.

Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn cần tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với ngành văn hóa tổ chức các buổi tập huấn về học tập, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như cho đoàn viên thanh niên học các điệu múa Xòe cổ ở các vùng đồng bào dân tộc Thái sinh sống lâu đời như ở Nghĩa Lộ, dạy cách chơi các nhạc cụ dân tộc độc đáo như thổi khèn, kèn lá, đàn môi của người dân tộc H’Mông; cách chế biến các món ăn dân tộc mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc… để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh để du khách trong và ngoài nước đi đâu cũng nhớ về một Yên Bái thân thiện, nhiệt tình với bản sắc riêng, vừa cổ điển nét truyền thống vừa hiện đại trong quá trình hội nhập.

Trong tổ chức Đoàn cần phát hiện, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình mẫu của thanh niên về phát huy thế mạnh của địa phương, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, tích cực xây dựng hình ảnh thanh niên Yên Bái nói riêng, con người Yên Bái nói chung để lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo đến đông đảo đoàn viên thanh niên và nhân dân học tập làm theo.

Vấn đề xây dựng hình ảnh con người Yên Bái đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, việc vận dụng sáng tạo nội dung này của Nghị quyết cùng với việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng nhờ phát huy thế mạnh của thiên nhiên, văn hóa, con người trong thanh niên là cách làm mới, hết sức sáng tạo của tổ chức Đoàn. Thực hiện tốt các nội dung trên sẽ giúp thanh niên có thêm thu nhập đồng thời thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội toàn diện ở địa phương./.

 

Lại Tuyến