Tuyên Quang: Đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động

14:56 16/09/2020     1536

3 Chương trình   Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác giải quyết việc làm cho người dân địa phương, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động tại Tuyên Quang.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Phiên giao dịch việc làm thu hút đông đảo người lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia

 

Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự để duy trì bộ máy hoạt động thiết yếu trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó. Cùng với đó, nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan dẫn đến lĩnh vực xuất khẩu lao động của tỉnh bị thu hẹp đáng kể trong những tháng đầu năm 2020. Vấn đề giải quyết việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân tại Tuyên Quang đứng trước nhiều thách thức.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố; thu hút đông đảo doanh nghiệp và người lao động tham gia.

Nhiều lao động, qua buổi tư vấn, giới thiệu việc làm đã được tuyển chọn và có mức thu nhập ổn định. Anh Nguyễn Văn Đông (trú tại Yên Sơn) đã tìm đến phiên giao dịch việc làm và được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH MSA YB ở Khu Công nghiệp Long Bình An, mức thu nhập đạt từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng.

Tại phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức mới đây đã có sự tham gia của hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp cung cấp thông tin hơn 30 nghìn vị trí tuyển dụng việc làm và tuyển sinh học nghề. Tại đây, nhiều người lao động đã tìm được việc làm; không ít em học sinh cuối cấp ba cũng được tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Em Nguyễn Minh Anh (học sinh lớp 12, trú tại huyện Yên Sơn) chia sẻ: “Tại phiên giao dịch việc làm em được các cô chú tư vấn về nghề nghiệp trọng tương lai. Em quyết định sau khi tốt nghiệp cấp ba sẽ đăng ký học nghề sửa chữa ô tô tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vinh, Giám đốc Công ty TNHH KTM (Hà Nội) tham gia cả 2 phiên giao dịch việc làm tại thành phố Tuyên Quang và huyện Chiêm Hóa cho biết, bà mong muốn các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm dày đặc hơn nữa. Khi đó các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia và giúp người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.

Gần đây, tại phiên giao dịch việc làm online kết nối 8 tỉnh, thành phố phía Bắc (gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Tuyên Quang), có hơn 120 lao động phổ thông, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tham gia và có 15 lao động trên địa bàn tỉnh đã đăng ký đi làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp khu vực phía Bắc.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, Sở đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc tổ chức tư vấn việc làm và học nghề cho trên 3.800 lượt người thông qua hình thức trực tuyến và tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Đặc biệt, việc tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm tại thành phố Tuyên Quang và huyện Chiêm Hóa thu hút trên 2.400 người lao động tham gia.

Năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến tổ chức tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm. Đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị, UBND nhân các huyện, thành phố đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm... Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ giải quyết việc làm mới cho người lao động trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành mục giải quyết việc làm cho 21.000 lao động trong năm 2020 và tạo việc làm cho trên 100.000 lao động trong giai đoạn 2016 - 2020.
 

Người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang

 

Thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tuyên với vai trò chủ chốt trong mạng lưới kết nối cung – cầu lao động tại địa phương đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực để giải quyết việc làm cho người lao động.

Trung tâm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, thông báo trên website, mạng xã hội… nhằm phổ biến sâu rộng các thông tin tuyển dụng đến các huyện, thành phố, giúp người lao động tiếp cận dễ dàng và thuận tiện hơn đến các công ty có uy tín trong và ngoài tỉnh. Song song với đó, trung tâm liên kết với nhiều cơ quan, đơn vị để tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động để người lao động có cơ hội tìm hiểu thị trường lao động cũng như các doanh nghiệp tuyển dụng đến gần hơn với người lao động. Tại các phiên giao dịch việc làm, người lao động cũng được tư vấn để hình thành định hướng cụ thể về nghề nghiệp tương lai, giải đáp thắc mắc bởi các chuyên gia về lao động - việc làm. Bên cạnh các phiên giao dịch việc làm tập trung, trung tâm cũng tổ chức các phiên giao dịch trực tuyến, kết nối lao động các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Xác định giải pháp trọng tâm để nâng cao cơ hội việc làm là phải nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, lao động thất nghiệp… được đặc biệt chú trọng. Trung tâm đã và đang tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để tổ chức những lớp dạy nghề ngắn hạn, phù hợp với đặc thù của từng địa phương; liên kết với những cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín để tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động. Công tác đào tạo bám sát thực tế, tập trung vào những ngành nghề có tính ứng dụng cao như: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, nấu ăn, cơ khí, kế toán doanh nghiệp, lái xe ô tô…

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay, số lượng người đến nộp hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 10% so với năm ngoái. Các lao động thất nghiệp đều được tư vấn, giải quyết chế độ bảo hiểm hoặc giới thiệu việc làm khác.

Theo ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, để tạo thuận lợi cho người lao động làm các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm tăng cường tuyên truyền trên các cơ quan báo chí của tỉnh và trang thông tin điện tử của trung tâm; Đồng thời, nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp qua cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, qua đường bưu điện... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm tại nhiều huyện, thành phố không thể tổ chức được, thị trường lao động từ đầu năm đến nay cũng không phong phú như mọi năm.

Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tuyên Quang sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phong phú về việc làm và hồ sơ ứng viên nhằm tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm hiệu quả cho người lao động và người sử dụng lao động.

 

Bảo Anh