Thái Nguyên: Khi thanh niên vươn lên làm giàu

08:18 27/06/2017     1148

3 Chương trình   Web.ĐTN: Được sự giới thiệu của Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nam Hòa, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi gà của anh Phạm Văn Chính ở xóm Na Quán, là một trong những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi của xã.

Mô hình trang trại chăn nuôi gà của anh Phạm Văn Chính mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi lứa gà thu được 50 triệu đồng
Mô hình trang trại chăn nuôi gà của anh Phạm Văn Chính mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi lứa gà thu được 50 triệu đồng

Anh Chính cho hay: Trước kia, tôi chỉ đi làm thuê, thu nhập không đủ sống. Với suy nghĩ phải tìm một công việc khác để cải thiện cuộc sống, chăm lo cho gia đình nên tôi đã đi tham khảo một số mô hình trang trại chăn nuôi gà tại xã Linh Sơn để làm theo.

Xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) có 2.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) sinh hoạt ở 26 chi đoàn. Hiện nay, xã có hàng chục mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ cho thu nhập trung bình từ 50 đến 100 triệu đồng/năm.


Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2013, anh Chính đã mạnh dạn đầu tư tiền để xây trang trại. Tận dụng khu đất cao, thoáng mát của gia đình, anh xây khu trang trại rộng 460m2 với tổng số tiền 400 triệu đồng, trong đó 1/3 số tiền vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Trong quá trình nuôi, do thiếu kiến thức, đã có lần anh thất thu hàng chục triệu đồng. Đó là vào năm 2015, khi lứa gà giống chuẩn bị đến ngày bán thì bị bệnh dịch, thiệt hại đến 20 triệu đồng. Sau thời điểm đó, anh đã chủ động đăng ký đi học thêm các lớp tập huấn về chăn nuôi thú y để có thêm kiến thức và kỹ năng phòng bệnh cho đàn gà. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật học được như thay thức ăn, nước uống cho gà 2-3 tiếng một lần; thường xuyên giữ vệ sinh chuồng trại… nên những lứa gà sau của anh phát triển tốt. Trung bình 4 tháng cho ra đời một lứa mới, mỗi lứa được khoảng 50 triệu đồng, gia đình anh thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Ở xã Nam Hòa, ngoài anh Chính, còn rất nhiều mô hình làm kinh tế cho thu nhập khá do thanh niên làm chủ như: Anh Trần Văn Thắng ở Chi đoàn xóm Mới với mô hình sản xuất đồ gỗ nội thất; anh Diệp Văn Chung, xóm Chí Son với xưởng cơ khí… đã tạo được việc làm và thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.
Anh Liễu Văn Chu, Bí thư Đoàn xã Nam Hòa cho biết: Để phong trào phát triển kinh tế trong thanh niên được triển khai sâu rộng, Đoàn xã đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm cho đoàn viên thanh niên. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; đào tạo nghề ngắn hạn như sửa chữa máy nổ, sơ cấp chăn nuôi thú y cho trên 30 ĐVTN. Bên cạnh đó, Đoàn xã còn tổ chức được 4 đợt đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế hay trong và ngoài xã cho trên 100 ĐVTN. Những hoạt động này góp phần giúp ĐVTN hiểu và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của quê hương để phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Đoàn xã còn thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện làm tốt công tác ủy thác vay vốn. Đoàn Thanh niên đang quản lý 8 tổ vay vốn. Tính đến tháng 5 năm 2017, có trên 270 hộ dân vay vốn qua tổ với tổng dư nợ do Đoàn xã quản lý trên 9 tỷ đồng.
Anh Liễu Văn Chu cho biết thêm: Để tạo điều kiện cho ĐVTN vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thời gian tới, Đoàn Thanh niên xã sẽ phối hợp với các hội đoàn thể của xã; các phòng, ban có liên quan của huyện tổ chức thêm các hoạt động hỗ ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; thành lập câu lạc bộ thanh niên liên kết giúp nhau làm kinh tế, kết hợp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các ĐVTN trên địa bàn xã. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để ĐVTN làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.