Thái Nguyên: Hoạt động Đoàn, Hội thôi thúc ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên

16:18 23/03/2017     2865

3 Chương trình   Web.ĐTN: Hầu hết các sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Thái Nguyên đều bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống. Đó chính là nền tảng vững chắc để tri thức trẻ hiện thực ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp khi còn là sinh viên.

Nhóm sinh viên khoa Nông học trình bày ý tưởng khởi nghiệp bằng sản phẩm “Dịch vụ trồng, chăm sóc rau sạch tại nhà khu đô thị” trong  Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2017 do trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên tổ chức
Nhóm sinh viên khoa Nông học trình bày ý tưởng khởi nghiệp bằng sản phẩm “Dịch vụ trồng, chăm sóc rau sạch tại nhà khu đô thị” trong Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2017 do trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên tổ chức

Vững kiến thức khoa học cơ bản, tích hợp công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ tốt là “chìa khóa” mở cánh cửa nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ cho sinh viên thời kỳ hội nhập quốc tế.

Chơi mà học


Ba sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên là Dương Quang Đạt, Trương Phương Nam và Nguyễn Đức Tú xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp toàn quốc do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức mới đây làm nức lòng các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, bên cạnh giải thưởng và những cam kết “đặt hàng” mua sản phẩm, tuyển dụng đến từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, ba sinh viên này còn được nhận được thưởng một chương trình học tập và trải nghiệm tại Silicon Valley - vườn ươm khởi nghiệp, thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) trong dịp Hè 2017 này.

Điều gì đã làm nên thành công cho các bạn này, trong khi người trẻ nhất là Nguyễn Đức Tú mới chuẩn bị bước vào tuổi 20 và đang học năm thứ 2 ngành Hệ thống thông tin kinh tế? Dương Quan Đạt (Nhóm trưởng, học năm thứ 4) hồn nhiên vào chuyện: “Chúng em đều cùng đam mê công nghệ thông tin và yêu thích chơi… Game tương tác. Mỗi người đều có trong tay chiếc máy tính, điện thoại thông minh. Có thể với người khác thì dùng để nghe, gọi, giải trí… Nhưng với chúng em đó là chìa khóa để mở cánh cửa khám phá khoa học, công nghệ. Chúng em đã gặp nhau trong môn học: Môi trường Internet kết nối vạn vật. Và ý tưởng xây dựng hệ thống quản lý, giám sát chất lượng nước cho hộ gia đình kết hợp với thiết bị tự động tích hợp chỉ số nước tiêu dùng cho các nhà máy nước tại khu dân cư bắt đầu được nhen nhóm từ đây. Mỗi người một phần việc, từ lập Wap, viết phần mềm, lựa chọn thiết bị và xây dựng các thuật toán lập trình tự động, hạch toán kinh tế… và đến thực địa được giao nhiệm vụ khép kín rồi kết nối và tương tác. Chúng em rất thú vị với đề tài khoa học này, vì bất cứ phần việc nào cũng cần phải đi thực tế, không chỉ thuần túy ngồi trong trường nghĩ ra. Mỗi lần thực địa, chúng em như được bổ sung thêm những kiến thức về khoa học môi trường, vật lý, kiến thức quản lý và xã hội học… Thú vị nhất là hầu như các trao đổi tương tác với nhau trong nhóm chỉ bằng máy tính, hoặc điện thoại cảm ứng”.

Đối với sinh viên Nghiêm Anh Huy, năm thứ 3 Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm lại tìm lựa chọn phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học cho mình là: Học tập, nghiên cứu phải đi đôi với thực hành, ứng dụng. Huy đã lựa chọn cho mình một đề tài nghiên cứu đang rất “nóng” là trồng rau sạch tự phục vụ quy mô hộ gia đình trong đô thị. Bằng những kiến thức nông học, Huy đã cùng các cộng sự xây dựng nên “công thức” về quy trình, phương pháp chăm sóc cho từng loại rau theo tiêu chuẩn sạch từ vườn đến bữa ăn cho từng hộ. Tiếp đó Huy đã xây dựng mạng lưới phân phối, thị trường và thiết lập hệ thống dịch vụ trồng, chăm sóc rau sạch tại nhà cho các hộ theo quy trình hướng dẫn ban đầu. Điểm nổi bật của sản phẩm khởi nghiệp mà Nghiêm Anh Huy đem đến cho người dùng và nhà đầu tư là vật tư, thiết bị ban đầu hoàn toàn có thể tận dụng các vật dụng phế liệu, tái chế song vẫn bảo đảm vệ sinh, tính mỹ quan và nhất là có thể tích hợp tự động chăm sóc, tiết kiệm vật tư, nước…Với khoảng không gian chỉ trên 10m2 sân, các hộ gia đình đã có một vườn rau luân canh, sử dụng hàng ngày đủ dinh dưỡng. Chỉ sau khi công bố ý tưởng về sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng tại Trường, sản phẩm “Dịch vụ trồng, chăm sóc rau sạch tại nhà khu đô thị” lập tức nhận được sự quan tâm cam kết đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và thành phố Bắc Ninh, trong đó Nghiêm Anh Huy và các cộng sự đóng vai trò quản lý vận hành hệ thống dịch vụ.

Còn đối với Nguyễn Trọng Giáp, sinh viên năm thứ 4 ngành Điện tử - tự động Khoa Quốc tế, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên) thì tiếp cận với đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng lại bắt đầu từ thu đam mê điều khiển tự động các dụng cụ sử dụng pin, ắc quy… Để kéo dài tuổi thọ pin, ắc quy cho các đồ chơi của mình, Giáp đã vận dụng quy trình thu nạp năng lượng mặt trời tích năng lượng vào cá bình ắc quy. Để tận thu tối đa ánh sáng mặt trời, Nguyễn Trọng Giáp đã tích hợp hệ thống cảm biến ánh sáng tự chuyển động theo ánh sáng mặt trời. Và Đề tài “Sản xuất điện sạch” được ra đời. Với khả năng sử dụng tiếng Anh khá thành thạo, sau khi công bố kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa học “Ứng dụng pin năng lượng sản xuất “điện sạch” đã vượt qua hàng nghìn sáng kiến khoa học để được công bố đăng trên tạp chí khoa học kỹ thuật trẻ quốc tế. Và con đường tiếp tục nghiên cứu khoa học tại Hoa Kỳ đang rộng mở với Giáp, khi sản phẩm này được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về môi trường của các trường đại học Hoa Kỳ đề nghị cộng tác tiếp tục mở rộng nghiên cứu.

Doanh nghiệp đồng hành với sinh viên

Tại Hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học tháng 12-1016 của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, ông Nguyễn Trọng Đức, thành viên Hội đồng quản trị Tổng Công ty Lắp máy Lilama phụ trách nhân sự chia sẻ: “Mỗi năm Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp tổ chức cuộc thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên là Công ty lại cử người đến tìm kiếm tài năng. Hầu hết các sinh viên đoạt giải hoặc có ý tưởng tốt, sau kỳ thực tập tại Lilama để hoàn thành tốt nghiệp, chúng tôi đều thỏa ước ký kết trước và tài trợ cho thời gian học còn lại. Như vậy các em đã chắc chắn có việc làm tốt ngay khi chưa tốt nghiệp. Chúng tôi luôn coi tri thức trẻ là nguồn lực kiến tạo nên doanh nghiệp và nâng cao giá trị thương hiệu Công ty”.
 
Cũng tại chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên lần thứ nhất (3-2017), ông Đoàn Bá Trường- Giám đốc Công ty cổ phần Sao xanh Hà Nội cho biết: Tôi đã bị thuyết phục bởi ý tưởng “Dịch vụ giống, khám chữa bệnh cho thú cưng trong thành phố” và “Dịch vụ trồng, chăm sóc rau sạch tại nhà khu đô thị”. Tôi sẵn sàng đầu tư ban đầu như các bạn dự toán chỉ 300-500 triệu đồng và cùng hợp tác với các bạn để thực hiện khát vọng lập nghiệp bằng đam mê, trí tuệ. Chúng tôi xác định, nếu không đến các nhà trường những dịp này thì sẽ bỏ lỡ cơ hội. Mà doanh nghiệp không tranh thủ tri thức trẻ sẽ không thể có đột phá, không có sáng tạo.

Anh Lê Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh cho biết: Mặc dù chủ đề “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm nay mới được các trường triển khai sâu rộng, nhưng trước đó, hàng năm các cấp bộ Đoàn, Hội sinh viên và nhà trường cũng đã tổ chức Hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học. Mặc dù quy mô, tên gọi còn, nặng tính “sách vở” nhưng đó chính là tiền đề cho cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”. Từ những sản phẩm tham gia các cuộc thi của sinh viên vừa qua cho thấy, sinh viên không chỉ học tốt là đủ, mà phải vận dụng tốt kiến thức vào thực tế, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và những vấn đề mang tính thời đại và toàn cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh mong muốn hình ảnh nhóm sinh viên đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ Nhất do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam tổ chức sẽ lan tỏa sự đam mê nghiên cứu khoa học của không nhưng là sinh viên Đại học Thái Nguyên mà còn trong đoàn viên thanh niên toàn tỉnh. Trong thời gian tới, Tỉnh Đoàn, Hội sinh viên tỉnh sẽ quan tâm và có các hoạt động hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp cũng như sẽ làm cầu nối giữa sinh viên với các doanh nghiệp để có phương án hỗ trợ, hoàn thiện các ý tưởng, công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên”.