Thái Nguyên: Doanh nhân trẻ thành công nhờ đam mê, trưởng thành từ công tác Đoàn

11:33 21/03/2017     2537

3 Chương trình   Web.ĐTN: Với niềm đam mê tin học và nỗ lực trong học tập cũng như công việc, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Cường, cựu sinh viên lớp Kỹ thuật phần mềm, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đã hiện thực hóa thành công những giấc mơ công nghệ của mình bằng ngôn ngữ lập trình.

Anh Nguyễn Bá Cường (thứ 2 từ trái sang) đang hướng dẫn một số phương pháp lập trình máy tính cho học viên.
Anh Nguyễn Bá Cường (thứ 2 từ trái sang) đang hướng dẫn một số phương pháp lập trình máy tính cho học viên.


Hiện, anh đang là Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm OTVINA, có trụ sở tại tổ 4, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên). Công ty hoạt động trên 3 lĩnh vực: Thiết kế website, phần mềm, đào tạo tin học và tiếng Anh. Trong đó, tập trung chính vào mảng thiết kế website, phần mềm. Sau gần 3 năm thành lập, Công ty của anh đã mang lại nguồn doanh thu ổn định khoảng 500 triệu đồng mỗi năm. Mới đây, anh đón nhận tin vui khi được Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn Công nghệ lập trình, kiêm vai trò Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Nhà trường.
 
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), ngay từ thuở nhỏ, anh đã sớm bộc lộ niềm say mê với công nghệ thông tin. Năm lớp 10, trong một lần tình cờ bắt gặp cuốn sách lập trình Pascal (ngôn ngữ lập trình máy tính) của người em họ học trên mình vài khóa, Cường như bị “hớp hồn” bởi những câu lệnh trong đó. Cậu học trò nhỏ bắt đầu mê mẩn, ngày đêm nghiên cứu những kiến thức trong sách để có thể “trò chuyện”, tương tác với chiếc máy vi tính của mình. Gia đình thấy anh đêm ngày mải mê bên chiếc máy tính, sợ con chểnh mảng việc học nên đã nghiêm cấm tuyệt đối. “Dạo đó, trong ngăn bàn của tôi luôn có vài cuốn tài liệu về lập trình. Mỗi khi hoàn thành bài tập trên lớp, tôi thường mang ra “ngấu nghiến” đến tận khuya. Bố mẹ lên phòng kiểm tra mình thì lại vội vàng giấu đi”, anh kể.
 
Mặc dù không học qua khóa đào tạo bài bản nào, nhưng với bản chất thông mình, ham tìm tòi, học hỏi, cậu học trò khi đó đã có thể thiết kế được nhiều phần mềm ứng dụng đơn giản. Trong đó, ứng dụng mà anh tâm đắc nhất là phần mềm có chức năng tương tự máy tính Casio FX500MS, được tích hợp thêm nhiều phép tính như: giải hệ phương trình bậc 4, giải các bất phương trình… Vì đam mê, sở thích với tin học, năm 2011, anh đặt quyết tâm và thi đỗ vào lớp Kỹ thuật phần mềm K10B, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
 
Bước chân vào giảng đường đại học, môi trường đào tạo tin học chuyên nghiệp đã trở thành bước đệm để anh phát huy được năng khiếu, sở trường của mình. Yêu thích, hứng thú với những môn học, ngoài những giáo trình, bài giảng trên lớp, anh luôn chủ động tìm kiếm thêm tài liệu để mở rộng vốn kiến thức cho mình. Bởi vậy, kết quả học tập của anh không chỉ nổi trội trong lớp mà còn được khẳng định qua các kỳ thi tin học. Nổi bật trong những thành tích khiến bạn bè nể phục đó là giải Ba cuộc Olympic Tin học toàn quốc năm 2012 Khối Chuyên tin. Cũng trong năm 2012, anh đã mạnh dạn đề xuất với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Nhà trường tái lập Câu lạc bộ Tin học nhằm duy trì hoạt động hỗ trợ, củng cố kiến thức cho các bạn sinh viên. Anh được tin tưởng giao giữ vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ. Trên cương vị mới, anh cùng các thành viên Câu lạc bộ tích cực mở các lớp dạy về lập trình, ôn, luyện thi miễn phí cho sinh viên trong trường. Đồng thời trực tiếp điều hành và xây dựng hệ thống quản lý ngoại khóa (trên website: ictu.vn). Năng nổ, nhiệt tình trong công tác Đoàn, Hội, năm 2013, anh được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Nhà trường.
 
Vừa học, vừa tích tham gia các hoạt động, không ngừng phát huy tư duy năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, tháng 8 năm 2014, anh mạnh dạn đứng ra thành lập Công ty TNHH Phần mềm OTVINA khi đã tích lũy được kinh nghiệm và kiến thức nhất định. Anh chia sẻ: “Khi đó, trong tay tôi chỉ có vỏn vẹn 8 triệu đồng, cùng một người bạn học chung lớp góp 2 triệu đồng để mở công ty. Nói là góp vốn nhưng thực ra chỉ đủ chi phí để đăng ký thành lập công ty. Gặp nhiều khó khăn về vốn và nguồn khách, hoạt động chủ yếu là lấy công làm lãi. Có giai đoạn tôi cùng nản lòng nhưng được gia đình, bạn bè động viên nên đã cố gắng khắc phục”.
 
Với quyết tâm, kiên trì theo đuổi đam mê, thành công bước đầu đã đến với anh bằng việc thiết kế, phát triển phần mềm xem thời khóa biểu trên điện thoại, máy tính cho sinh viên. Nhờ sự thuận tiện, khoa học, ứng dụng đã được nhiều người tin dùng. Tính đến nay, đã có trên 13.000 lượt người sử dụng ứng dụng. Theo thời gian, công ty được nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn biết đến và ký hợp đồng xây dựng các phần mềm quản lý, liên kết khách hàng. Với việc mở rộng thêm lĩnh vực đào tạo tin học và tiếng Anh, Công ty cũng đã thu hút trên 600 lượt học viên theo học.
 
Không bằng lòng với những gì đã đạt được, anh luôn cố gắng hoàn thiện, bổ sung thêm kiến thức để viết tiếp những giấc mơ của mình. “Công nghệ không có giới hạn, vì vậy tôi tự nhủ phải luôn nỗ lực, học hỏi nhiều hơn nữa để vững bước theo đuổi ngành công nghệ phần mềm, theo đuổi đam mê”, anh nói.