Tạ Văn Thuật lập nghiệp từ con Trâu

15:05 19/11/2015     1713

3 Chương trình   Web.ĐTN: Hình ảnh bãi cỏ ngút ngàn trên triền đê của quê mình cùng vài con bò nhà nuôi để làm công cụ trong sản xuất nông nghiệp thường xuyên ám ảnh trong tâm trí Tạ Văn Thuật.
“Khi ấy, tôi trộm nghĩ: Tại sao mình lại không phát triển đàn trâu dựa trên nguồn cỏ tự nhiên sẵn có? Một con trâu thịt cũng có giá đến hàng chục triệu đồng. Nếu biết cách chăm sóc, làm giàu từ đàn trâu không phải là ước mơ quá xa vời”, Tạ Văn Thuật (sinh 1989) Đội 2, thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội chia sẻ.

Nghĩ là làm, đầu năm 2014, từ bỏ hết các công việc làm thuê nay đây mai đó, chàng trai 26 tuổi trở về quê hương, bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu về con vật nuôi “là đầu cơ nghiệp”.

g
Tạ Văn Thuật chăm sóc Trâu để chuẩn bị xuất chuồng

Để thuận tiện cho việc chăn thả, Thuật đã dựng chuồng nuôi trên khoảnh đất của gia đình ngay gần bãi cỏ rộng lớn trên triền đê. “Nuôi trâu không hề khó nhưng lại đòi hỏi người chăn nuôi phải có sự am hiểu tường tận về nó. Đặc biệt, chăn nuôi theo phương pháp chăn thả cần đến sự khéo léo, kiên trì của thanh niên trẻ. Tôi đã đọc nhiều sách, báo, tài liệu, tìm hiểu về cách chăn nuôi của nhiều mô hình tiêu biểu để áp dụng đối với đàn trâu của gia đình”, chàng trai nói”, Thuật nói.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, người dân thôn Thuận Thượng quá quen thuộc với bóng dáng chàng thanh niên trẻ cần mẫn chăm chút cho từng con trâu, cặm cụi chăm sóc cho bãi cỏ để tạo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi. Từ số lượng ít ỏi ban đầu, chỉ sau hơn một năm, Thuật đã có trong tay hơn chục con trâu đủ độ tuổi để sẵn sàng cho các lứa xuất chuồng.

Chia sẻ về phương pháp chăn nuôi của mình, Thuật cho biết: “Do nguồn vốn có hạn nên tôi nuôi kế tiếp nhau để luôn đảm bảo có trâu thịt xuất ra thị trường. Vì chăn nuôi theo biện pháp chăn thả, không sử dụng cám ăn thẳng, cám tăng trọng nên đàn trâu tuy phát triển chậm nhưng chất lượng đảm bảo, được thương lái khắp nơi tìm đến”. Mỗi năm, đàn trâu đem lại thu nhập hàng hàng trăm triệu đồng bằng việc bán trâu thịt ra thị trường.

Thuật chia sẻ: “Tôi đã từng đi nhiều nơi, làm nhiều công việc khác nhau, tôi nhận ra không nơi đâu bằng được quê hương mình. Chỉ cần chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi, chúng ta sẽ nhận được những thành quả xứng đáng. Tôi không có quá nhiều tham vọng, chỉ mong có sức khỏe để làm việc tốt, nâng cao thu nhập cho gia đình, để cuộc sống của vợ con ngày càng đầy đủ, sung túc hơn”.

Nói về mô hình nuôi trâu của anh Tạ Văn Thuật, Bí thư Đoàn xã Song Phượng Nguyễn Xuân Sơn cho biết: “Trong khi quê hương có rất nhiều điều kiện để thanh niên nông thôn tham gia phát triển kinh tế, làm giàu cho chính bản thân và gia đình thì lại có nhiều thanh niên lại đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Minh chứng rõ nhất là mô hình nuôi trâu của anh Thuật, tôi mong sẽ có nhiều bạn trẻ học tập mô hình này để lập thân lập nghiệp và cũng là dịp để tuổi trẻ Song Phương xung kích chung tay xây dựng nông thôn mới”.